Quảng Ninh thu giữ lượng lớn hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc

author 14:31 29/07/2022

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng nuôi sống con người tuy nhiên bên cạnh những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn được phép lưu hành thì thị trường cũng xuất hiện không ít thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế lực lượng chức năng đã không ít lần thu giữ những loại thực phẩm này.

Cụ thể, theo Công an tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phát hiện xe vận chuyển trên 700kg hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó tại Km119, QL18 đoạn qua TP Hạ Long, Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2 kiểm tra xe ô tô khách biển số 14B-011.83 do lái xe Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1984, trú tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe chở 276 kg đào, 150kg nho, 75kg lựu, 225kg táo, 450 gói chân gà rút xương nặng 3,55kg.

Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và khai nhận vận chuyển số hàng trên từ Lào Cai về Quảng Ninh để tiêu thụ. Tổ công tác đã bàn giao số hàng trên cho Đội Quản lý trị trường số 3 xử lý theo quy định.

 Lượng lớn hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tịch thu. Ảnh: D. Hưng

Nói tới thực phẩm không rõ nguồn gốc, theo lực lượng chức năng, thực tế đến nay, chưa ai thống kê được trên thị trường có bao nhiêu loại thực phẩm không rõ nguồn gốc đang tồn tại. Bất cứ mặt hàng nào trong nước có và thị trường cần là nó lập tức xuất hiện. 

Thực phẩm là mặt hàng "nhạy cảm" vì nó liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của con người nên nó có những quy định hết sức khắt khe. Đặc biệt với những mặt hàng do nước ngoài sản xuất theo quy định đều phải được Bộ Y tế kiểm định, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì nó mới được bán trên thị trường. Nhưng thực phẩm nhập lậu thì chẳng có tờ giấy "thông hành" nào, bằng nhiều con đường nó vẫn "chễm chệ" có mặt trong chợ, quán ăn, nhà hàng, thậm chí trong cả bữa cơm gia đình. 

Đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người. Bởi quá trình vận chuyển, bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thường không được đảm bảo an toàn trước sự xâm nhập của các loại vi khuẩn. Thậm chí thực phẩm không rõ nguồn gốc thường sử dụng các loại hóa chất bảo quản độc hại. Nếu thường xuyên ăn phải thực phẩm này nguy cơ ngộ độc, ung thư rất cao.

Do đó, để đảm bảo an toàn người tiêu dùng nên lựa chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên ham rẻ để rồi tiền mất tật mang.

Mức xử phạt kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo quy định trên, nguồn gốc xuất xứ phải được thể hiện trên bao bì của sản phẩm, hoặc các loại giấy tờ khác có liên quan đến hàng hóa như chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hơp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với các bên có liên quan. Hàng hóa nào không đáp ứng điều kiện này được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó thì hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Điều 17, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;

b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;

c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

13. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang