Bắt giữ hơn 1.200 chai rượu Chivas, Double Black, The Glenlivet... không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 06:14 05/08/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình vừa bắt vụ vận chuyển hơn 1.200 chai rượu nhãn mác nước ngoài nhưng không có nguồn gốc xuất xứ.

Công an tỉnh Ninh Bình mới đây đã bắt vụ vận chuyển hơn 1.200 chai rượu nhãn mác nước ngoài không có nguồn gốc, xuất xứ. Theo đó, qua công tác trinh sát, tại Km274, Quốc lộ 1A thuộc địa bàn phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra xe ô tô tải Container BKS 35C-100.17 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-324.98 do lái xe Nguyễn Ty Bo sinh năm 1988, trú ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận điều khiển.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe vận chuyển hơn 1.200 chai rượu nhãn mác nước ngoài như Chivas 12, Double Black, The Glenlivet… Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Quá trình điều tra ban đầu Nguyễn Ty Bo khai vận chuyển thuê số rượu trên từ thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị ra thành phố Hà Nội. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

 Công an tỉnh Ninh Bình thu giữ lượng lớn rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Công an Ninh Bình

Nói tới rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo lực lượng chức năng, hiện nay rượu không rõ nguồn gốc đang ngày càng tràn lan trên thị trường, nguy hiểm hơn là mặt hàng này lại được nhiều người sử dụng vì giá rẻ hoặc chưa hiểu hết tác hại của nó. Tình trạng rượu không rõ nguồn gốc tràn lan không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.

Thực tế cho thấy, năm nào cũng xảy ra tình trạng ngộ độc rượu, thậm chí có những trường hợp tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha methanol.

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến lạm dụng rượu, bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy... Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Chưa kể, không ít người bị ngộ độc rượu, thoát cơn nguy kịch nhưng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt... mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Về nguyên nhân xuất hiện nhiều ca ngộ độc methanol trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng đó là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường.

Nguyên nhân dẫn tới nhiều ca ngộ độc trong thời gian qua chủ yếu là do các loại rượu có pha cồn công nghiệp methanol vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được kiểm soát tốt. Do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan quản lý, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân nhằm thắt chặt quản lý rượu thủ công, không để rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn còn “cơ hội” trên thị trường.

Bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý thế nào?

Tại Khoản 2, điều 3, Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu quy định, rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an hướng dẫn về chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA).

Do đó, buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại điều 188, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo căn cứ này, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:

- Số rượu lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên;

- Số rượu lậu có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên… thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 - 07 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 - 15 năm khi vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 - 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên;

- Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 20 năm.

Trong khi đó, theo khoản 6, điều 188, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, doanh nghiệp hay pháp nhân thương mại buôn bán rượu lậu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu sẽ bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỷ đồng khi:

- Số rượu lậu có trị giá từ 200 đến dưới 300 triệu đồng;

- Số rượu lậu có trị giá từ 100 đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng;

- Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 03 - 07 tỷ đồng nếu vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Phạt tiền từ 07 - 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm khi thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm.

Hình phạt bổ sung có thể áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu là phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.

Theo quy định trên, pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc thậm chí là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Về hình thức xử lý hành chính, cơ quan chức năng sẽ căn cứ trên cơ sở điều 15, mục 3, chương II, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tương ứng với hành vi vi phạm, mức xử lý hành chính thấp nhất là 500 nghìn đồng; cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Đi kèm đó là các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điều này.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang