Buôn lậu vàng diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới miền Trung và Tây Nam Bộ

author 16:35 16/11/2023

(VietQ.vn) - Buôn lậu vàng ngày càng gia tăng nhất là trên các tuyến biên giới miền Trung và Tây Nam Bộ với quy mô lớn gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế vĩ mô.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia 389, thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới, đặc biệt lực lượng Công an đã phát hiện và tổ chức đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây buôn lậu vàng với qui mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.

Thực tế trên cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp, các đối tượng lợi dụng chính sách Nhà nước đối với cư dân biên giới qua lại công khai giữa hai nước để cất giấu vàng trong các phương tiện, lẫn trong hàng hóa nông sản,… hay lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển vàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trên các tuyến biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại địa bàn các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực miền Trung giáp Lào tại địa bàn Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Sau khi đưa vàng lậu qua biên giới, đối tượng chia thành nhiều công đoạn để vận chuyển về các tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho Ngân sách nhà nước.

Buôn lậu vàng gia tăng ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh minh họa

Thị trường vàng trong nước mặc dù có diễn biến theo xu thế thị trường vàng quốc tế, nhưng biên độ, nhịp độ chưa đều, thường phản ánh chậm hơn dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá vàng miếng SJC với vàng nguyên liệu và chênh lệch giữa giá mua vào bán ra. Ngoài ra, không loại trừ hệ lụy từ việc làm giả vàng miếng SJC hoặc tình trạng các thương hiệu vàng lớn (Doji, PNJ) neo giá vàng tiệm cận giá vàng miếng SJC. Chính vì lợi nhuận thu được đã thúc đẩy động cơ phạm tội của các đối tượng.

Vàng lại là loại hàng hóa nhỏ, gọn, có giá trị cao nên hoạt động buôn lậu càng được các đối tượng thực hiện với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng thường chỉ sử dụng người nhà, những người tin tưởng, thân cận nhất để vận chuyển. Do đó rất khó phát hiện vàng được vận chuyển qua biên giới.

Bên cạnh đó, do vàng là hàng hóa không truy nguyên được nguồn gốc, chỉ xác định đặc tính hóa lý theo hàm lượng tỷ trọng vàng. Đối với vàng miếng có nguồn gốc nhập lậu từ Thụy Sĩ, Singapore, các đối tượng đều khò, đốt chảy, xóa chữ, ký hiệu trước khi vận chuyển vào trong nước, do đó cũng không có cơ sở xác định vàng có nguồn gốc nước ngoài. Trong khi đó vàng nguyên liệu, vàng khai thác và vàng trôi nổi có nguồn gốc trong dân chưa được quản lý chặt chẽ nên hầu hết việc bắt giữ khi các đối tượng mua bán, vận chuyển trong nội địa đều không xử lý được, nhiều vụ việc sau khi bắt giữ đã phải trả lại vàng cho đối tượng do không có căn cứ xác định nguồn gốc bất hợp pháp.

Về chính sách quản lý vàng của Việt Nam, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, từ đó đến nay Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 02 đối tượng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để xuất khẩu và Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài), do đó dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và các nhu cầu khác.

Mặt khác từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhất là vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng của Nhà nước - tăng cao. Điều đó thúc đẩy các đối tượng họat động nhập lậu vàng ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Do đặc thù nước ta có đường biên giới trải dài, nhiều khu vực hiểm trở, ngoài các cửa khẩu còn nhiều đường mòn, lối mở cả đường bộ và đường sông. Mặc dù, các lực lượng chức năng đã vượt qua khó khăn, chủ động công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý đối với tội phạm buôn lậu nói chung và buôn lậu vàng nói riêng đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tại một số nơi, có thời điểm chưa thường xuyên, sự phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu tại khu vực biên giới còn hình thức, thiếu chặt chẽ, tạo sơ hở để tội phạm buôn lậu lợi dụng vận chuyển trái phép qua biên giới.

Thực trạng trên đòi hỏi các lực lượng chức năng phải chủ động nắm và dự báo tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời.

Quản lý đo lường trong kinh doanh vàng

Thông tư Số: 22/2013/TT-BKHCN quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các quy định về đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo đó, cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng trong mua, bán giữa các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm các yêu cầu có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Mức cân phải phù hợp với giá trị độ chia kiểm quy định. Đã được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường, chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị.

Quả cân hoặc bộ quả cân được sử dụng kèm với cân để xác định khối lượng vàng trong mua, bán hoặc để định kỳ kiểm tra cân quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm có khối lượng danh định và độ chính xác phù hợp với cân được sử dụng kèm hoặc cần kiểm tra. Cân đã được kiểm định tại tổ chức kiểm định được chỉ định hoặc tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định phải còn thời hạn giá trị. Khối lượng vàng trong mua, bán với các tổ chức, cá nhân hoặc trong thanh tra, kiểm tra không được nhỏ hơn khối lượng công bố. Giới hạn sai số của kết quả phép đo khối lượng vàng phải bảo đảm yêu cầu quy định.

Yêu cầu chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ

Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng được quy định trong Khi thực hiện phân hạng theo Kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế xác định theo phân hạng danh định (ví dụ vàng trang sức 21,5K thì xếp vào loại vàng 21K). Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế (ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780).

Vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng, phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Khi sử dụng vật liệu hàn không phải là hợp kim vàng hoặc thay thế bằng keo dán, phải được công bố rõ bao gồm cả lượng vật liệu sử dụng để gắn kết nếu làm ảnh hưởng đến khối lượng của sản phẩm lớn hơn sai số lớn nhất cho phép theo quy định.

Vàng trang sức, mỹ nghệ được phép sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được. Kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm.

Tất cả các thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết...) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan. 

Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định. Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Vị trí nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo quy định.

Nhãn in đính kèm với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải bao gồm các nội dung sau: Tên hàng hóa (ví dụ: lắc đeo tay, dây chuyền, nhẫn vàng, nhẫn đính kim cương...); Tên, mã ký hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất (ví dụ: PAJ, SJC, DOJ...); Hàm lượng vàng (tuổi vàng) được thể hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này (ví dụ: 999 hoặc 99,9% hoặc 24K); Khối lượng vàng và khối lượng của vật gắn trên vàng trang sức, mỹ nghệ (ví dụ: kim cương, saphia, ruby...); Ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang