Lỗ thoát nước bồn rửa trong nhà bếp chứa hàng loạt loài nấm gây hại

authorNgọc Nga 06:21 21/08/2023

(VietQ.vn) - Mới đây các nhà khoa học Anh đã khám phá thêm một đồ vật quen thuộc trong căn nhà là tổ của hàng trăm loại vi khuẩn đó chính là lỗ thoát nước bồn rửa trong nhà bếp.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Reading (Anh) cho biết, các gia đình thường dọn dẹp các đồ vật trong nhà bếp của mình mỗi ngày như bàn ăn để loại bỏ vi khuẩn, nhưng chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về thói quen dọn dẹp của mình.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện, lỗ thoát nước bồn rửa trong nhà, chứa quần thể nấm sinh sôi nảy nở trong đó. Đặc biệt, nhiều sinh vật trong số đó đặc biệt có hại cho sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu sử dụng tăm bông vô trùng để lấy mẫu tại các lỗ thoát nước và phân tích hơn 400 mẫu trong cộng đồng nấm từ bồn rửa trong nhà bếp và nhà vệ sinh ở 20 tòa nhà khác nhau. Họ đã xác định được tổng cộng 375 chi và 605 loài nấm, kết quả cho thấy, trong số các đơn vị phân loại chiếm đa số là các loài thuộc chi Saccharomyces.

Ngoài ra còn có chi Fusarium, một số loài thuộc chi này có thể tạo ra độc tố mạnh, một số loài khác gây bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Chi Exophiala cũng xuất hiện trong kết quả phân tích, nó bao gồm các loài Exophiala, nấm men đen gây bệnh viêm phổi, loài này cũng có thể gây ra u cơ, một bệnh truyền nhiễm mãn tính, phá hủy của các mô dưới da và loài Malassezia globosa là nguyên nhân gây ra bệnh pityriasis versicolor (lang ben).

 Lỗ thoát nước bồn rửa trong nhà ẩn chứa quần thể nấm sinh sôi nảy nở gây nguy hại tới sức khỏe. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học cho biết, những vi sinh vật này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Ví dụ như nhiễm trùng do một số loài thuộc chi Fusarium có thể khiến móng tay bạn xuất hiện màu nâu đen hay viêm xoang, bao gồm giảm bạch cầu trung tính (giảm số lượng bạch cầu).

Đáng chú ý, các loại nấm sống trong bồn rửa không dễ bị tiêu diệt, chúng có thể chịu được nhiệt độ cao, độ pH axit, thậm chí còn tồn tại và phát triển trong môi trường rất ít chất dinh dưỡng. Nhiều trong số chúng còn sử dụng chất tẩy rửa có trong xà phòng, như một nguồn thực phẩm giàu carbon để sinh sôi.

Theo các nhà nghiên cứu, vệ sinh những vị trí này bằng thuốc tẩy thường xuyên sẽ có hiệu quả, nhưng chúng ta nên áp dụng phương pháp thân thiện với môi trường hơn chính là sử dụng hỗn hợp muối nở (baking soda) và giấm. Đây được coi là một loại thuốc diệt nấm tự nhiên tuyệt vời.

Nhóm các nhà khoa học cho biết, các nghiên cứu trong tương lai sẽ nhằm xác định quá trình hình thành của các cộng đồng nấm, sự ổn định của chúng theo thời gian và tác hại rõ hơn của chúng đối với sức khỏe con người. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Environmental DNA.

Liên quan tới loài nấm men, theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, nấm men là sinh vật đơn bào với hình dạng: hình cầu, hình bầu dục, một số loại có hình que, có thể có hình dạng khác. Nấm men sinh sản bằng phương pháp nảy chồi, tuy nhiên có loại tế bào con không rời khỏi cơ thể mẹ và lại tiếp tục nảy chồi. Vì vậy nó có hình thái giống cây xương rồng khi quan sát dưới kính hiển vi. Nấm mốc là sinh vật đa bào, cấu tạo dạng sợi phân nhánh, phát triển nhanh tạo thành đám sợi chằng chịt.

Nấm men, nấm mốc xuất hiện khá phổ biến trong môi trường tự nhiên. Nấm mốc thường mọc trong môi trường tối và ẩm ướt. Nấm men có thể được tìm thấy trên trái cây và quả mọng, trong dạ dày của động vật có vú và trên da, và một số nơi khác. Do khả năng phát triển dễ dàng trong nhiều điều kiện môi trường nên các loại nấm này có thể tấn công nhiều loại thực phẩm và gây ra những mức độ hư hỏng và phân hủy thực phẩm khác nhau.

Chúng tấn công các loại cây trồng như ngũ cốc, các loại hạt, đậu và trái cây trên các cánh đồng trước khi thu hoạch và trong quá trình bảo quản. Chúng cũng phát triển trên thực phẩm chế biến và hỗn hợp thực phẩm. Khả năng phát hiện của nấm trong thực phẩm phụ thuộc vào loại thực phẩm và mức độ xâm lấn.

Thực phẩm bị nhiễm các loại nấm này có thể bị hư hỏng nhẹ, nghiêm trọng hoặc bị hư hỏng hoàn toàn với sự xuất hiện các đốm thối có kích cỡ và màu sắc khác nhau, tiết ra chất nhờn, có các sợi nấm màu trắng hoặc nấm mốc có màu. Hương vị và mùi vị bất thường cũng có thể được sinh ra. Đôi khi, khi quan sát bằng mắt thường không thấy có nấm mốc trên thực phẩm nhưng khi làm xét nghiệm thì phát hiện có nấm.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang