Nhãn hiệu tập thể vực dậy làng nghề truyền thống

author 07:01 23/09/2013

Được biết đến là những đặc sản của địa phương từ bao đời nay, bánh tráng Thạnh Hưng và khoai lang Bông Súng đã làm nên những thương hiệu riêng có của Giồng Riềng. Vì thế, việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ tạo đà cho Giồng Riềng tiếp tục phát huy thế mạnh đặc sản của địa phương mình.

Bánh tráng Thạnh Hưng và khoai lang Bông súng là hai sản phẩm mới được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND huyện Giồng Riềng trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho Hội Nông dân xã Thạnh Hưng, Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tiến (Giồng Riềng), Kiên Giang. Đây là hai sản phẩm đầu tiên của Giồng Riềng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Nức tiếng làng nghề

Ở xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), làng nghề bánh tráng đã hình thành cách đây khoảng 100 năm. Ban đầu, chỉ vài hộ trong xã làm để sử dụng trong gia đình, nhưng sau đó nhờ có vị thơm ngon và dẻo đặc trưng, nên bánh tráng ở đây dần dần được người dân ở nơi khác đặt mua và trở thành đặc sản nổi tiếng của cả vùng.

Ngày nay, cả làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng chủ yếu tập trung ở hai ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân với hơn 100 hộ gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề này, hầu hết là theo cha truyền con nối.

Làm bánh tráng thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng xoay vòng vốn nhanh, giúp trang trải nhiều thứ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Có những gia đình 3 đời làm bánh tráng, họ cần mẫn, gìn giữ và tự hào với cái nghề mà cha ông để lại như giữ nét đẹp văn hóa truyền thống làng quê.

Lợi thế của bánh tráng Thạnh Hưng là tận dụng được nguyên vật liệu và nhiên liệu sẵn có tại địa phương, sử dụng kỹ thuật thủ công là chủ yếu, tổ chức sản xuất mang tính quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ban đầu cũng không nhiều, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, có thể bán ngay tại lò.

Nhãn hiệu tập thể vực dậy những đặc sản nổi tiếng của địa phương.

Để có những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải tốt, ngon cơm, sau đó đem ngâm 2-3 ngày, xay thành bột, nhưng bột phải xay thật mịn, bánh mới dai và dẻo; tay tráng phải nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều.

Người làm bánh phải tìm hiểu dấu hiệu của thời tiết, đón được trời mưa hay nắng thì mới quyết định tráng bánh, nếu không bánh sẽ không được phơi khô xem như bỏ công sức, tiền bạc ngày hôm đó.

Cùng với bánh tráng, sản phẩm khoai lang Bông súng tại địa phương này, cũng được xem là đặc sản của vùng. Giồng Riềng được biết đến là xã có kinh nghiệm trồng thâm canh khoai lang lâu năm, đạt năng suất cao.

Sản phẩm khoai lang Bông súng trồng tại địa phương cho giống củ đều, thơm ngon với hương vị đặc trưng. Khoai lang Bông súng trong thời gian gần đây cũng là nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân.  Nếu điều kiện thuận lợi, tính bình quân mỗi ha khoai lang, người trồng khoai thu về mức lãi  từ 20 đến 25 triệu đồng

Nhờ được biết đến là sản phẩm có chất lượng tốt, cùng với sự đầu tư về giống, kỹ thuật phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nên việc tiêu thụ khoai lang ở Giồng Riềng hiện nay cũng gặp nhiều thuận lợi, mức giá bán tại ruộng trung bình 2.000 đồng/kg.

Ngoài khả năng tiêu thụ nội địa, khoai lang tại địa phương còn được xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thái Lan, với giá bán cao hơn so với giá tiêu thụ nội địa từ 600 đồng đến 800đ/kg.

Giữ gìn thương hiệu

Dù thị trường tiêu thụ bánh tráng Thạnh Hưng rất rộng, đặc biệt là vào những dịp lễ tết, không những sản phẩm được tiêu thị ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới.

Song, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về lao động, vì đa số lao động đi các tỉnh, thành phố tìm việc làm khác do thu nhập từ làng nghề bấp bênh, không ổn định. Bên cạnh đó, có nhiều loại bánh tráng ở những nơi khác làm giả nhãn hiệu của bánh tráng Thạnh Hưng đã làm ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm.

Vì thế, việc Thạnh Hưng được công nhận nhãn hiệu tập thể được đánh giá là sẽ tạo tiền đề tốt để thương hiệu bánh tráng Thạnh Hưng vươn mạnh ra thị trường trong nước và thế giới. Đó cũng là mong muốn của nhiều người dân nơi đây, để họ có cuộc sống ổn định và gìn giữ, phát huy được nghề truyền thống của cha ông để lại.

Với sản phẩm khoai lang cũng không ngoại lệ, Khoai lang Bông Súng cũng từng đứng trước nguy cơ bị người nông dân “bỏ rơi”, do bị ảnh hưởng của thời tiết, mất mùa, không tiêu thụ được, bị thương lái ép giá...

Song, nhờ sự ghi nhận về chất lượng, từ phía  sở khoa học công nghệ, sự tin tưởng của người tiêu dùng, sự hỗ trợ, đầu tư  của sở nông nghiệp tỉnh trong vấn đề chọn giống, kỹ thuật, sản phẩm gần đây đã dần được những người nông dân địa phương ưu ái lựa chọn để trồng, nhân rộng và phát triển.

Theo Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang, đến nay, Kiên Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho 10 nhãn hiệu tập thể: rượu nếp Kinh 5 (Tân Hiệp); khô sặc rằn, mật ong, mắm cá lưỡi trâu, vọp U Minh Thượng, tiêu Phú Quốc, rượu đế Đường Xuồng (Gò Quao), khóm Tắc Cậu (Châu Thành), bánh tráng Thạnh Hưng và khoai lang Bông Súng (Giồng Riềng).

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể là thành công lớn của địa phương. Nó sẽ tạo thuận lợi cho cả chủ thương hiệu lẫn người tiêu dùng, bởi chủ thương hiệu sẽ có điều kiện chăm sóc sản phẩm của mình, con người tiêu dùng sẽ yên tâm vì có cơ quan thẩm định về chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng...

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang