Nhập lậu hàng may mặc luôn nóng, nhất là khi thời tiết chuyển mùa

author 06:20 20/09/2020

(VietQ.vn) - Theo nhận định của lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, khi thời tiết chuyển mùa thì tình hình nhập lậu hàng may mặc càng gia tăng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn phụ trách, Đội Quản lý thị trường số 8 (Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt) tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát: 12C - 090.71 do lái xe Phạm Hữu, sinh năm 1974 địa chỉ: 6/1 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe xuất trình 1 tờ hóa đơn bán hàng gồm 5 loại hàng hóa có trị giá ghi trên hóa đơn là: 10,2 triệu đồng do hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hải Yến ở Văn Lãng bán cho ông Phạm Hữu. Hàng hóa vận chuyển trên xe và hàng hóa ghi trên hóa đơn có sự trùng khớp về số lượng, chủng loại hàng hóa và hầu hết là hàng thời trang mùa đông như: mũ len, giày thể thao, áo khoác, quần bò...

 Hàng may mặc luôn là sản phẩm được nhập lậu nhiều nhất trong thời gian qua. Anht: Cục QLTT Lạng Sơn

Trên nhãn sản phẩm đều cho thấy hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam do đó để có căn cứ xác định, làm rõ hành vi vi phạm của người bán, người mua, làm rõ nguồn gốc số hàng hóa trên, Đội QLTT số 8 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện giấy tờ để tiếp tục xác minh.

Ngay sau sự việc, Đội QLTT số 8 đã xác minh, làm rõ bà Nguyễn Thị Hải Yến đã có hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt và buộc bà Nguyễn Thị Hải Yến nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là 10,2 triệu đồng.

Mới đây, trong lúc làm nhiệm vụ kiểm soát tại địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 98B – 024.42 đang vận chuyển hàng hóa vào nội địa tiêu thụ có dấu hiệu vi phạm. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 5 loại hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam gồm: Áo sơ mi trẻ em; quần lửng nữ; áo dạ nữ người lớn….

Thời điểm bị kiểm tra, lái xe Nguyễn Ngọc T., trú tại xã Đồng Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang xuất trình 1 tờ hóa đơn bán hàng có trị giá gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, xét thấy toàn bộ số hàng hóa trên có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam và có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc nhập khẩu hàng hóa của hộ kinh doanh bán hàng, xuất hóa đơn, lực lượng Quản lý thị trường đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa, hóa đơn bán hàng và phương tiện, tiến hành xác minh nguồn gốc nhập khẩu để xử lý theo quy định.

Mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu bày bán công khai, hệ luỵ khôn lường(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vừa phát hiện phụ tùng giả nhãn hiệu Honda, mũ bảo hiểm trong một cửa hàng sửa chữa xe máy.

Đánh giá về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… trên địa bàn Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn nhận định kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh, trong đó đã tăng cường quản lý xuất nhập cảnh người và phương tiện qua biên giới, kiểm soát chặt thị trường hàng hóa phòng chống dịch…, nên buôn lậu qua biên giới trong giai đoạn bùng phát dịch và giãn cách xã hội không xảy ra; gian lận thương mại, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trên địa bàn cũng giảm.

Tuy nhiên, hiện tại hiện tượng gian lận về số lượng hàng hóa thông qua hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát sinh có dấu hiệu phức tạp. Đặc biệt, hình thức giao dịch, kinh doanh thông qua môi trường mạng (thương mại điện tử), tình hình nhập lậu hàng hóa may mặc đã được tận dụng, khai thác rất triệt để trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã kéo theo các vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ… 

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát khá tốt trong 100 ngày kể từ sau nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế, xã hội từng bước trở lại bình thường trong bối cảnh mới, thì hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lại bắt đầu có những dấu hiện xuất hiện trở lại. 

Điều 21 tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa, trừ thuốc bảo vệ thực vật;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

d) Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang