Nhập lậu lượng lớn quần áo, thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn

author 15:51 23/11/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Yên Bái vừa phát hiện, thu giữ lượng lớn quần áo thời trang nhập lậu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái cho biết, mới đây, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển hàng hóa qua địa bàn, Đội 4, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Đội chống buôn lậu, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô tải chở hàng biển kiểm soát 21C-080.47 do ông Trần Tuấn Anh, sinh năm 1984, địa chỉ: phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái điều khiển. Phương tiện đang di chuyển theo hướng từ Hà Nội về qua địa bàn tỉnh Yên Bái.

Trên thùng hàng phía sau xe vận chuyển 1.502 sản phẩm quần áo các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

 Lượng lớn quần áo thời trang nhập lậu. Ảnh: Cục QLTT Yên Bái

Qua xác minh, làm việc, lực lượng chức năng xác định số hàng hóa trên là hàng nhập lậu thuộc sở hữu của 04 chủ hàng là ông Lê Quyết Lượng (địa chỉ: xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái); bà Nguyễn Thị Hà (địa chỉ: phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái); ông Nguyễn Văn Trình, địa chỉ: xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái và bà Trần Thị Lan Hương, địa chỉ: xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Đội QLTT số 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các ông, bà trên về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ số hàng hóa 1.502 sản phẩm quần áo các loại trị giá 148 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.

Tiếp đến, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng vừa thu giữ và tiêu hủy gần 400 sản phẩm thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, có nguồn gốc do nước ngoài sản xuất. Qua công tác nắm địa bàn và nguồn tin cung cấp đã được thẩm tra xác minh là có căn cứ, Đội QLTT số 6 đã phát hiện Facebook Nguyễn Thị Hương có địa chỉ kinh doanh tại Thửa 256, đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chuyên kinh doanh thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trước đó, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm tại Thửa 256, đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại.

 Thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 14 mặt hàng với gần 400 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, do nước ngoài sản xuất, gồm: 80 gói chả thập cẩm loại 400g/gói, 40 gói thịt bò viên loại 500g/gói, 58 gói bánh khoai môn loại 300g/gói, 30 gói chả ốc loại 400g/gói… Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Tổng trị giá lô hàng hóa theo giá niêm yết tại địa điểm kinh doanh là: 17.288.000 đồng.

Qua đấu tranh, làm việc chủ hộ kinh doanh là bà Hương trình bày, toàn bộ số hàng hóa nêu trên được bà mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo, với mục đích mua về để bán kiếm lời. Bà Hương đã công nhận hành vi vi phạm hành chính của bản thân, xin hoàn toàn chịu phạt theo quy định. Đội QLTT số 6 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương với tổng số tiền 12 triệu đồng và buộc hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Đội QLTT số 6 tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thương mại điện tử qua mạng Zalo, Facebook và chủ trì phối hợp với các Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh và các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện tốt công tác kiểm tra kiểm soát thị trường những tháng cuối năm 2021.

Theo lực lượng chức năng, trên thị trường hiện có nhiều mặt hàng kinh doanh đủ các loại, tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng có nhãn mác rõ ràng. Các mặt hàng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của xã hội, đây là một trong những vấn đề gây bức xúc trong đời sống của xã hội. Bởi hành vi này ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính người tiêu dùng, làm giảm niềm tin với sự minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất.

Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP tùy thuộc vào giá trị hàng hóa sẽ bị xử phạt các mức khác nhau.

Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài hình phạt tiền, hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang