Nhập lậu lượng lớn tinh dầu thơm và sách tập tô

author 14:33 15/03/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa tạm giữ 7.500 lọ tinh dầu thơm, 3.000 quyển sách tập tô, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, thực hiện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tháng 03 năm 2022, Đội Quản lý thị trường số 7 đã chỉ đạo các Tổ công tác quản lý địa bàn, triển khai nắm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, kịp thời phát hiện để đề xuất kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

 Lạng Sơn thu giữ lượng lớn tinh dầu thơm, sách tập tô không hóa đơn chứng từ. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 7 đã chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành khám kho hàng của Hộ kinh doanh Đường Thị Kiều tại địa chỉ: đường Nhánh Bắc, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Kết quả kiểm tra phát hiện trong kho hàng có chứa 02 mặt hàng sản xuất ngoài Việt Nam gồm: 7.500 lọ tinh dầu thơm, loại: 30ml/lọ; 3.000 quyển sách tập tô, kích thước 18,6 cm x 16,5 cm x 2,2 cm, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, Đội Quản lý thị trường số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, tiến hành làm việc với chủ hộ kinh doanh để xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ việc và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nói tới tinh dầu thơm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, một khảo sát của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ năm 1991, có đến 95% các hương thơm đang được sử dụng là hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên.

Vì tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên hiện nay đa phần các chất tạo mùi thơm tổng hợp là các loại hóa chất, như tinh dầu và este: Amyl axêtat, Amyl butyrat, êtyl butyrat, êtyl valerianat, êtyl pentacyonat và một số chất khác như aldehyt benzoic, nhựa thơm pêru, xitrol, vanilin, hêliotropin, cumarin, mentol… có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Đặc biệt, rất nhiều chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit… Trong số này, có nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, khi sản phẩm có mùi càng thơm, mùi thơm càng tồn tại lâu thì lại càng có nhiều hóa chất.

Những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với một hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ, tích tụ, cũng bị các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát...

Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm nhanh mà chịu tác động trong một thời gian dài. Đến khi "tích" đủ lượng, chỉ cần thêm một lượng nhỏ đã gây ra sự tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Với những gia đình có trẻ nhỏ, hương thơm dễ dàng đi qua đường hô hấp, thấm qua da, dễ gây nhiễm độc từ từ khiến cha mẹ khó lòng phát hiện trong thời gian ngắn.

Đối với người sử dụng, chỉ có thể phân biệt tinh dầu tự nhiên và tinh dầu tổng hợp nhờ cảm quan tinh tế. Nếu là tinh dầu tự nhiên, mùi hương thoang thoảng, cảm nhận được từng mùi kết hợp. Ví dụ, với hương sả chanh, có thể ngửi thấy mùi chanh rồi đến mùi sả. Nếu là hương liệu, mùi nồng và chỉ cho ra mùi duy nhất. Ngoài ra, có thể thử trên giấy thấm dầu hoặc giấy trắng bằng cách: nhỏ ba giọt tinh dầu lên giấy, tinh dầu tự nhiên sẽ có màu trắng hoặc màu vàng. Nếu là hương liệu, sẽ cho ra hai quầng màu, bên trong màu trắng và vòng ngoài màu vàng.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11580:2016 ISO 3218:2014 về Tinh dầu - nguyên tắc về tên gọi

Tên của tinh dầu phải đủ rõ và không gây nhầm lẫn để tránh hiểu nhầm về những vấn đề sau:

- Nguồn gốc thực vật của cây; phần được sử dụng của cây; giai đoạn sinh trưởng sinh thực (phenology) của chúng; quá trình chế biến, trước khi thu được tinh dầu (sấy sơ bộ, lên men v.v...) , nếu có; phương pháp thu nhận tinh dầu.

Các điểm cần lưu ý trên chỉ liên quan đến tên của tinh dầu. Tên thực vật chính xác của loài và nếu cần, tên của thứ thực vật, cùng với các chi tiết về nguồn gốc và phương pháp chế biến tinh dầu được nêu trong Phạm vi áp dụng, Thuật ngữ và định nghĩa của các tiêu chuẩn tương ứng.

Đối với tên khoa học của thực vật có liên quan chi tiết tại TCVN 11581 (ISO 4720).

  An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang