Nhiều địa phương phát hiện hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bánh trung thu nhập lậu
TP. Hồ Chí Minh: Xử phạt hàng loạt cơ sở thẩm mỹ, y tế do vi phạm khám chữa bệnh
Chuyên gia nhận định mức độ nguy hiểm của khí cười
Liên tiếp phát hiện hàng hóa giả mạo, thực phẩm nhập lậu tại nhiều địa phương
Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Mai Thị Nguyệt, địa chỉ tổ 9, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Kết quả kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Mai Thị Nguyệt đang trưng bày để bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Caesar; Titebond; MAKITA. Cụ thể gồm 14 chiếc lưỡi cắt gắn nhãn hiệu MAKITA; 4 chiếc sen tắm gắn nhãn hiệu Caesar; 11 tuýp keo chuyên dùng trong xây dựng gắn nhãn hiệu Titebond. Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh Mai Thị Nguyệt không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Nhiều hàng giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang
Tại tỉnh Tuyên Quang, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 02 hộ kinh doanh buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Tô Thị HIền, địa chỉ tại tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có trị giá: 6.580.000 đồng. Hộ kinh doanh Hoàng Đức Hiến, tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có trị giá 18.400.000 đồng. Hàng hóa bao gồm áo phông cộc tay nam nhãn hiệu Gucci, quần thể thao nhãn hiệu Gucci; áo và quần đùi thể thao nhãn hiệu Adidas.
Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã đồng loạt ra quân kiểm tra 06 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam trên địa bàn quận Lê Chân, Hồng Bàng và Ngô Quyền. Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã phát hiện, tạm giữ hơn 740 sản phẩm là quần, áo, giày, dép,….các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Christain Dior, Adidas, Nike,… Trị giá hàng hóa vi phạm gần 200 triệu đồng.
Về kinh doanh thực phẩm nhập lậu, tại thành phố Hà Nội, Đội QLTT số 11 phối hợp với Công an Quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại số 47 ngõ 10 đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.408 chiếc bánh trung thu Và 1.210 bao thuốc lá điếu (1 bao = 20 điếu). Toàn bộ số bánh trung thu và thuốc lá điếu trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá. Đội QLTT số 11 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp đến, Đội QLTT số 24 tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc hộ kinh doanh bánh kẹo tại địa chỉ số nhà 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Thành Phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh hàng hoá là bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm 240 cái Bánh trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái), nhãn bằng chữ nước ngoài.
Phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn còn nhiều thách thức
Liên quan tới tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Nguyên nhân là do iệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong nền kinh tế thị trường, việc phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh gian lận thương mại là đặc trưng, hay nói cách khác cũng là đặc tính của nền kinh tế thị trường. Do đó, đây là một yêu cầu rất cao đối với mọi Chính phủ và cũng là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban hành nhiều cơ chế chính sách. Điển hình, tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề án chống hàng giả hàng kém chất lượng, sửa đổi bổ sung quy định xử phạt.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt những hành vi vi phạm trong gian lận thương mại, kể cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác của những người làm việc trong môi trường này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của lực lượng chức năng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ thuộc Bộ mà đòi hỏi chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả là doanh nghiệp và người sản xuất cũng phải vào cuộc, phải thực hiện nghiêm túc đề án này thì mới có hiệu quả.
An Dương