Nhiều phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc bị tạm giữ

author 13:26 18/04/2023

(VietQ.vn) - Đội Quản lý Thị trường số 3 (Cục QLTT tỉnh Phú Yên) vừa phát hiện một lái xe chở nhiều bao tải chứa số lượng lớn phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, vừa qua, lực lượng QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Công an tỉnh tiến hành dừng, khám phương tiện vận tải xe ô tô mang biển số 76C – 049.13 do ông Nguyễn Văn Khá (địa chỉ Thôn 3, xã Nghĩa Dũng,  thành Phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang lưu hành theo hướng Nam – Bắc.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển hàng hóa gồm: 1.556 phụ tùng xe máy các loại; 1.000 lưỡi cưa kim loại hai mặt. Hai mặt hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Theo quy định của pháp luật, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh xử lý theo quy định.

 Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ 

Ngoài ra, trên xe còn có 57 dây cẩu hàng các loại hiệu DC514T; 370 cái Ma ní các loại (dùng để nối ghép giữa dây cáp, xích với các lô cuộn hàng hóa hay container); 833 kg thép không gỉ, hàng hóa nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh Bến Tre đã lập biên bản tạm giữ 1.673 sản phẩm phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Qua công tác quản lý địa bàn phát hiện dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bến Tre tiến hành kiểm tra đồng loạt các cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy trên địa bàn TP. Bến Tre, huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện và tạm giữ 1.712 sản phẩm phụ tùng không ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda. Trong đó, 1.673 sản phẩm phụ tùng xe gắn máy bao gồm bố thắng, kính chiếu hậu, bạc đạn, phuộc xe, nhông sên dĩa, cuộn lửa, lỗi đề,… không ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn và 39 sản phẩm bao gồm mặt kính đồng hồ, mặt nạ, chụp lốc máy,… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda.

Phương tiện vận tải xe ô tô chứa số lượng lớn phụ tùng xe máy nhập lậu tại Phú Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đối với tất cả sản phẩm nêu trên với tổng trị giá hàng hóa trên 35 triệu đồng. Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường phụ tùng xe gắn máy hoạt động khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bên cạnh sản phẩm của các công ty sản xuất uy tín, đảm bảo chất lượng thì vẫn còn những mặt hàng phụ tùng xe gắn máy trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, đặc biệt là giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng về phụ tùng xe gắn máy, không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cho người tiêu dùng.

Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp phụ tùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp... đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của người tiêu dùng. Chính tâm lý ham rẻ khiến nhiều người chịu cảnh “tiền mất tật mang” bởi chỉ sau một thời gian ngắn, xe bắt đầu có những “triệu chứng” hư hỏng nặng hơn do phụ tùng giả, nhái, chất lượng kém, độ bền thấp, không tương thích/tương thích kém với các bộ phận khác của xe và cả trường hợp do chuyên môn kỹ thuật của thợ sửa chữa không đạt yêu cầu.

Trong khi đó, việc sử dụng phụ tùng xe máy chính hãng giúp xe hoạt động ổn định và an toàn, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, có độ chính xác cao khi lắp ráp với linh kiện khác trên xe do có cùng tiêu chuẩn chất lượng. Khi đó, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí sửa chữa và đảm bảo an toàn khi sử dụng xe. 

Liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng xe ô tô, xe máy, cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành 6 Quy chuẩn như sau: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gương dùng cho xe ô tô; Mã số: QCVN 33:2019/BGTVT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy chì dùng trên xe mô tô, xe gắn máy; Mã số: QCVN 47:2019/BGTVT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia kết cấu an toàn chống cháy của xe cơ giới; Mã số: QCVN 52:2019/BGTVT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu an toàn chống cháy của vật liệu sử dụng trong kết cấu nội thất xe cơ giới; Mã số: QCVN 53:2019/BGTVT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; Mã số: QCVN 82:2019/BGTVT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện; Mã số: QCVN 91:2019/BGTVT.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang