Nhiều quốc gia sẽ đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19 trong tuần tới

author 10:17 03/12/2020

(VietQ.vn) - Trước tình hình dịch Covid-19 nhiều quốc gia đang cố gắng thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân sớm nhất.

Ông Putin chỉ đạo tiêm đại trà vắc xin COVID-19 của Nga trong tuần tới

Theo báo Tuổi trẻ, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lệnh cho các quan chức y tế bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa Covid-19 do Nga phát triển trong tuần tới.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Putin nói trong cuộc gọi thoại video với Phó thủ tướng Tatiana Golikova: "Tôi yêu cầu quý vị tổ chức công việc để tới cuối tuần tới chúng ta sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng trên diện rộng này".

Ông Putin lưu ý giáo viên và các y bác sĩ sẽ là những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Ông cũng nói thêm "hơn 2 triệu liều vắc xin đã được sản xuất hoặc sẽ được sản xuất trong vài ngày tới".

Nhiều nước chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Tuổi Trẻ 

Vắc xin Sputnik V cần phải tiêm 2 liều cách nhau 21 ngày. Vắc xin sẽ được tiêm miễn phí cho mọi công dân Nga và việc này là hoàn toàn tự nguyện.

Tuần trước Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đại trà trong quân đội. Chiến dịch này nhằm mục tiêu tiêm chủng cho hơn 400.000 quân nhân, tới cuối năm nay tiêm được khoảng 80.000 người trong đó.

Tuần trước ông Putin công bố vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả phòng bệnh 95% theo những kết quả thử nghiệm lâm sàng bước đầu, tức là cao hơn vắc xin của các nước đã công bố.

Vắc xin Sputnik V, được đặt theo tên của một vệ tinh thời Liên Xô cũ, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng được thực hiện với khoảng 40.000 tình nguyện viên.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, hơn 100.000 người Nga đã được tiêm vắc xin Covid-19. Ông Mikhail Murashko công bố thông tin này khi trình bày thông tin về vắc xin Sputnik V với cơ quan Liên Hiệp Quốc thông qua kết nối video trực tiếp.

Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19  

Theo thông tin trên báo VnExpress, Chính phủ Anh ngày 2/12 cho biết, Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) đã cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 do hãng dược Pfizer của Mỹ và công ty BioNTech của Đức đồng phát triển.

Anh đã đặt mua khoảng 40 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer. Theo các quan chức nước này, nhóm nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin trước.

Chia sẻ về việc vắc xin trên được cấp phép tại Anh, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết: "Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) đã sẵn sàng triển khai tiêm chủng vào đầu tuần tới.

Các nhà chức trách của Anh cho biết chuỗi cung ứng để phân phối vaccine tới người dân tại nước này đã được triển khai sẵn sàng, bao gồm các "trung tâm" được chỉ định, nơi đáp ứng tiêu chuẩn nhiệt độ lạnh sâu để bảo quản vắc xin.

Tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 khiến nhiều người do dự (VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu cho biết, sau khi tiêm vắc xin của hãng Pfizer, Moderna, một số người bị sốt cao, đau nhức xương, tay sưng to nhưng tình trạng không kéo dài.

Cựu tổng thống Mỹ Obama có thể tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình

Cựu tổng thống Mỹ Obama cho biết ông có thể tiêm vaccine Covid-19 tương lai ngay trên truyền hình để xây dựng lòng tin của người Mỹ về tiêm chủng.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Tôi hứa với mọi người rằng khi vắc xin được cấp cho những người chịu ít rủi ro hơn, tôi sẽ tiêm. Tôi có thể thực hiện trên truyền hình hoặc quay video, chỉ để mọi người biết rằng tôi tin tưởng vào nền khoa học này".

Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố tháng trước, 42% người Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm loại vắc xin đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt nếu vắc xin này ngay lập tức được cung cấp miễn phí. Chỉ 48% người trưởng thành không phải da trắng cho biết họ sẽ tiêm chủng.

Ông Obama kêu gọi người Mỹ da màu, đặc biệt là người da đen, tiêm vắc xin nếu nó được các quan chức y tế hàng đầu chấp thuận. Ông cũng đề cập đến việc mất niềm tin vào chính phủ về những sự cố y tế trước đây.

"Tôi hiểu, về mặt lịch sử, mọi thứ đều bắt nguồn từ các thí nghiệm Tuskegee, lý do khiến cộng đồng người Mỹ gốc Phi có chút hoài nghi", Obama nói. "Nhưng thực tế vắc xin là lý do chúng ta không còn bệnh bại liệt. Và chúng là lý do chúng ta không có hàng loạt trẻ em chết vì bệnh sởi, đậu mùa và những căn bệnh từng tàn phá toàn bộ dân số và cộng đồng".

Thí nghiệm Tuskegee được Obama đề cập là cuộc thử nghiệm được thực hiện suốt 40 năm, từ năm 1932 - 1972, dưới sự bảo lãnh của giới chức y tế Mỹ, trong đó khoảng 600 người, chủ yếu là đàn ông da đen, được tiêm mầm bệnh giang mai mà không được thông báo. Hơn 200 người trong số đó mắc mới bệnh giang mai, toàn bộ 600 người đều không được chữa trị và chết trong đau đớn.

Các loại vaccine Covid-119 đầu tiên có thể được phân phối ở Mỹ trong vài tuần nữa. Moderna và Pfizer cuối tháng trước đã đề nghị FDA cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của họ.

Tiến sĩ Fauci nói rằng các nhóm dân số có nguy cơ, như nhân viên trong viện dưỡng lão, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có thể tiêm vaccine trong tháng này và vào quý đầu tiên của năm 2021.

An Dương (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang