Nhiều thách thức với các động lực tăng trưởng năm 2023

author 09:50 09/02/2023

Sau những kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2022, tình hình kinh tế năm 2023 được dự báo là khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Cùng với những ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong nước đang đối mặt những thách thức. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về chủ đề này.

PV: Thưa ông, nhìn từ những tín hiệu kinh tế đầu năm nay, ông đánh giá thế nào về các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Ông Phan Đức Hiếu: Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được những thành quả rất tích cực. Những kết quả này đã phần nào che lấp những khó khăn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2022 và đang hiện rõ dần trong đầu năm 2023. Cùng với những khó khăn từ tình hình bất định của kinh tế, địa chính trị thế giới mà nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, các động lực tăng trưởng trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức.

Trong đó, rõ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Từ quý 4, khu vực này đã có dấu hiệu chậm lại khi tốc độ tăng trưởng giảm, các chỉ số như PMI, đơn đặt hàng mới cũng đều suy giảm. Trong tháng 1 vừa qua, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể vượt xa số doanh nghiệp thành lập mới. Dự kiến thời gian tới, khó khăn có thể còn tiếp tục khi nhu cầu thị trường thế giới đang thu hẹp, tín dụng vẫn đang thắt chặt…

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nhìn theo lĩnh vực, điểm sáng được kỳ vọng của năm nay là khu vực dịch vụ du lịch, dự kiến mức độ đóng góp vào tăng trưởng sẽ tăng khi thị trường khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Khu vực sản xuất công nghiệp chắc chắn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng thị trường thế giới. Khu vực nông nghiệp được kỳ vọng vẫn duy trì mức độ đóng góp ổn định, song khả năng có sự đột phá là khó. Một số thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đã có sự suy giảm từ cuối năm 2022. Trung Quốc mở cửa trở lại có thể mở ra một thị trường lớn nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng khác.

Về đầu tư nước ngoài, đây cũng là một động lực quan trọng nhưng đang có những vấn đề nổi lên. Chúng ta vốn kỳ vọng vào một làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhưng thực tế không cho thấy điều đó. Nếu không có diễn biến mới, theo dự kiến thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ 1/1/2024 và điều này sẽ tác động lớn đến thu hút FDI. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải sửa toàn bộ thể chế chính sách về ưu đãi, mà điều này không thể làm trong ngày một ngày hai.

Đối với vốn đầu tư tư nhân, một tín hiệu cần lưu ý là số vốn đăng ký mới giảm. Mặc dù thống kê vốn đăng ký mới của doanh nghiệp không thực sự phản ánh sức khỏe nền kinh tế, nhưng sự suy giảm này cũng là một chỉ báo cho thấy động lực từ khu vực tư nhân chưa có dấu hiệu tích cực.

PV: Vậy theo ông, đâu là động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất năm 2023?

Ông Phan Đức Hiếu: Động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công. Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 707.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Với số vốn đầu tư công dự kiến giải ngân lớn như vậy, đây là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, động lực này cũng gặp thách thức lớn về vấn đề giải ngân chậm, không đồng đều, do đó tác động của động lực này đến đâu còn phụ thuộc vào việc khắc phục, giải quyết được những vướng mắc về giải ngân.

Các chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Mặc dù vâỵ, đầu tư công năm nay có cơ sở để kỳ vọng hơn bởi có nhiều dự án theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đã được triển khai. Theo tôi được biết, đến nay các dự án trong chương trình đã cơ bản được phân bổ xong, nhiều dự án đã xong hết thủ tục. Ngay ngày đầu năm 2023, 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II đã được đồng loạt khởi công trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và giờ chỉ tập trung vào làm một cách thực chất, bám sát thực tiễn để có điều chỉnh kịp thời. Cùng với đó, bước sang năm 2023, nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã xong được vấn đề về thủ tục, quy trình, do đó có thể hy vọng tốc độ giải ngân năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước.

PV: Trong bối cảnh như vậy, ông có đề xuất, kiến nghị gì về những giải pháp cần tập trung?

Ông Phan Đức Hiếu: Thực ra, giải pháp đã có hết, chưa bao giờ chúng ta có nhiều giải pháp như hiện nay. Cụ thể như Nghị quyết 01 năm 2023 với 11 nhóm nhiệm vụ chính và 127 nhiệm vụ cụ thể; Nghị quyết số 54/NQ-CP năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/7/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; các Nghị quyết 02 từ năm 2014 đến nay vẫn phải được thực hiện…

Như vậy, các giải pháp đã được nêu đầy đủ, vấn đề là cần hành động cụ thể, quyết liệt, sớm triển khai giải pháp đã ban hành… Đối với một số chính sách đã triển khai, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, chẳng hạn như các giải pháp về chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân… Các chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tế, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, tránh việc họ phải rút lui khỏi thị trường thì tổn thất sẽ lớn hơn. Trong bối cảnh này, sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp Việt có thể coi là một điều kiện cần để duy trì các động lực đã làm nên tăng trưởng kinh tế năm 2022 tiếp tục là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bên cạnh đó, cần có sự tham gia có trách nhiệm, tích cực của mọi chủ thể, từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý… vào quá trình phát triển kinh tế. Từ phía doanh nghiệp, hơn lúc nào hết cần phát huy sự hợp tác, nâng cao chất lượng quản trị. Về phía nhà quản lý, cần sớm có thông điệp rõ ràng, minh bạch hóa quá trình giải quyết các vướng mắc, để từ đó củng cố lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo TBTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang