Nhộn nhịp buôn bán vàng mã trên các trang thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

author 07:00 17/08/2021

(VietQ.vn) - Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chuẩn bị đồ cúng Rằm tháng 7 bằng cách mua “online”. Chính vì thế, đồ vàng mã cũng “bắt kịp” xu hướng, được bày bán trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội.

Rằm tháng 7 hàng năm được xem là một trong những ngày lễ lớn trong năm với nhiều ý nghĩa đặc biệt. Theo đó, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 khá cầu kỳ, đồ vàng mã cũng được chuẩn bị nhiều hơn thường lệ với ý nghĩa sẽ gửi những đồ dùng cần thiết cho người thân đã khuất và những “vong linh không nơi nương tựa”.

Năm nay, Rằm tháng 7 vào đúng thời điểm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19. Việc mua sắm của người dân tại các chợ, các siêu thị có phần bớt “sầm uất” hơn. Tuy nhiên, những người kinh doanh vàng mã đã nhanh chóng mở bán “online”, thậm chí, mở bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để phục vụ nhu cầu của người dân.

 Đồ vàng mã được bán trên các sàn TMĐT. Ảnh: Diệu Hương

Dựa trên khảo sát tại một số sàn thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam như Lazada, Sendo, Shopee,v.v...nhiều sản phẩm vàng, mã được rao bán. Người mua có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm như quần áo, vàng tiền hoặc mua theo “set đồ lễ”. Giá thành phải chăng, nếu “set đồ lễ” đầy đủ khoảng hơn 300.000 đồng. Dịch vụ giao hàng trên các sàn TMĐT vẫn được đảm bảo, khách hàng có thể nhận hàng sau 1-2 ngày đặt hàng.

Các gian hàng rao bán các sản phẩm vàng, mã được quảng cáo đúng như hình ảnh được đăng tải trên trang giới thiệu, đảm bảo chất lượng đẹp, các bộ quần áo đã được gấp sẵn, người mua không tốn thời gian tự bày như trước đây. Ngoài các đồ vàng mã, nhiều gian hàng còn bán kèm các đồ cúng lễ, v.v...

Trên mạng xã hội Facebook, đồ vàng mã cũng được rao bán một cách nhộn nhịp. Thậm chí, có rất nhiều nhóm được lập để phục vụ bán những sản phẩm này. Chỉ cần tìm kiếm với cụm từ “bán vàng mã”, người mua có thể thấy hàng loạt các nhóm như: “Bán buôn vàng mã Việt Nam”, “Buôn bán vàng mã đồ cúng quanh năm”, “Hội buôn bán vàng mã, oản tài lộc, đồ cúng bái”, v.v..

Chỉ với từ khoá "mua bán vàng mã", người dùng nhận được kết quả các hội/nhóm trên Facebook để mua đồ cúng. Ảnh: Diệu Hương. 

Đa phần các nhóm buôn bán sản phẩm này đều hiển thị ở chế độ công khai, không cần là thành viên nhóm, người mua cũng có thể xem bài đăng, có đầy đủ số điện thoại để đặt mua một cách dễ dàng. Hình ảnh các sản phẩm cũng được người bán đăng tải đầy đủ, rất “bắt mắt”, đa dạng từ vàng, tiền, quần áo cho đến nhà cửa, xe cộ, đồ trang sức,…Thông thường những người bán trên Facebook sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng nội thành. Phí ship sẽ cao hơn so với các dịch vụ giao hàng trên sàn TMĐT nhưng người mua sẽ nhận được trong ngày.

Chỉ còn vài ngày nữa là lễ Vu Lan (Rằm tháng 7 âm lịch) diễn ra. Để đảm bảo những yêu cầu trong phòng dịch bệnh, tránh đi lại khi không cần thiết, việc mua sắm quá nhiều đồ ăn, đồ vàng mã không cần thiết sẽ có thể khiến khu chợ, khu mua sắm thêm nguy cơ tụ tập đông người và lây nhiễm cao.

Ngoài ra, việc mua sắm online trong cuộc sống bình thường nói chung và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nói riêng, vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác. Đối với sản phẩm hương nhang, vàng mã, ít có địa chỉ online báo giá thẳng trên bài viết bán hàng nên khách hàng cần gọi điện với người bán để hỏi và tham khảo ở nhiều nơi trước khi chốt đơn mua. Nhiều địa chỉ đặt vàng mã yêu cầu khách hàng chuyển khoản 100% cả phí vận chuyển trước khi giao hàng. Nếu không phải là người quen biết hoặc không tin tưởng, lựa chọn chuyển khoản sau khi nhận hàng. Tuy nhiên, vì vàng mã là mặt hàng có tính chất tâm linh nên số đông người mua hàng cho biết họ cũng có thể yên tâm phần nào khi đặt qua mạng.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang