Điểm mặt những chiêu lừa đảo, trộm cắp tân sinh viên nhất định cần phải biết

authorHòa Lê 11:01 06/09/2017

(VietQ.vn) - Dưới đây là những chiêu lừa đảo, trộm cắp tân sinh viên cần phải biết để tránh được những cạm bẫy có thể hủy hoại cả tương lai.

Đa cấp

Đây có lẽ là chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất bởi đa cấp là một hình thức xuất hiện nhan nhản tại Hà Nội hay các thành phố lớn. Với những chiêu dụ dỗ như làm giàu không khó, đưa ra những lý tưởng và câu chuyện khởi nghiệp, khơi dậy giấc mơ đổi đời một cách nhanh chóng… đã thực sự thu hút và khiến nhiều người trẻ mắc bẫy.

Không chỉ sinh viên năm nhất, nhiều bạn trẻ năm cuối cũng dễ dàng bị dụ dỗ bởi những lời đường mật và quyền lợi tương lai được vẽ ra. Cần phải đủ tỉnh táo và cảnh giác để giải quyết chiêu trò này, nếu không bạn sẽ vừa tiền mất tật mang lại có thể mất đi cả bạn bè, người thân vì dính vào môi trường đa cấp.

Lừa tiền đặt cọc nhà trọ

Để thực hiện được chiêu lừa đảo này, các chủ nhà trọ sẽ dán thông báo cho thuê phòng trên cột điện gần các trường đại học, cao đẳng với thông tin hấp dẫn để thu hút người đi đường. Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, khách thuê sẽ được giới thiệu những căn phòng đẹp, rộng, thoáng cùng hàng loạt yếu tố thuận lợi như giá rẻ, toilet sạch sẽ, giá điện, giá nước mềm, chổ để xe an toàn… Thậm chí, có nơi còn miễn phí cả Internet và cáp xem ti vi.

Điểm mặt những chiêu lừa đảo, trộm cắp tân sinh viên nhất định cần phải biết

 Lừa tiền đặt cọc nhà trọ là chiêu lừa đảo mà nhiều tân sinh viên hay mắc phải nhất. Ảnh: Một thế giới

Khi khách đồng ý thuê phòng, người này sẽ yêu cầu khách đặt cọc với số tiền khá cao. Đổi lại, người này sẽ ghi giấy nhận đặt cọc cùng các khoản thỏa thuận. Vài ngày hay khi đến hẹn, khách thuê trở lại để ký hợp đồng, sẽ gặp một người khác hoặc sẽ đưa ra rất nhiều “yêu sách” như: đưa ra thêm hàng loạt các khoản chi phí phát sinh như tiền gửi xe, tiền mặt bằng, tiền điện nước, tiền đăng ký tạm trú,… khiến nhiều người sợ và phải “bỏ của chạy lấy người”. Hoặc nếu cố đòi lại tiền đặt cọc sẽ bị mắng chửi rất thô tục và có nhiều thanh niên to con đứng hù dọa.

Công việc làm thêm dễ dàng, hấp dẫn

Có một thực tế rằng, đa phần sinh viên đều tìm kiếm công việc làm thêm từ các trang mạng, rồi những tờ rơi quảng cáo về công việc nhẹ nhàng nhưng mức lương hấp dẫn. Điều đặc biệt ở những công việc đó là chỉ tuyển dụng sinh viên năm nhất hoặc năm hai, làm 2 – 3 giờ/ngày thoải mái mà kiếm được vài trăm nghìn.

Thông thường những sinh viên năm đầu vẫn chưa có kinh nghiệm và chưa từng trải nên chúng sẽ dễ dàng lừa lọc tiền đặt cọc hoặc bóc lột sức lao động. Ngay cả những công việc rất tri thức như gia sư cũng cần phải chọn lọc kĩ lưỡng nơi uy tín, tin cậy. Bởi ngày càng có nhiều trung tâm môi giới gia sư “ma” mọc lên như nấm với việc đặt cọc tiền từ 200 - 500.000 đồng, bạn sẽ có được 1 vị trí dạy nào đó.

Bán tăm từ thiện

Dọc theo những cây cầu vượt hoặc cổng trường Đại học thường xuất hiện rất nhiều người phụ nữ tự xưng là đại diện cho hội, quỹ nhân đạo nào đó để bán tăm. Với lòng thương người, sự nhẹ dạ cả tin, nhiều bạn trẻ đã mắc mưu khi cầm gói tăm và kí vào những cuốn sổ để rồi mất oan từ 20.000 – 100.000 đồng chỉ để mua 1 gói tăm.

Điểm mặt những chiêu lừa đảo, trộm cắp tân sinh viên nhất định cần phải biết

 Bán tăm từ thiện chiêu lừa đảo mà nhiều tân sinh viên thường mắc phải. Ảnh: Thegioitre

Cách tốt nhất để ứng phó là bạn phải tỏ ra cứng cỏi, có chút nanh nọc và biết nói lời từ chối.

Những chiêu lừa đảo, trộm cắp khác

Ngoài ra còn có vô số chiêu trò lừa đảo khác mà tân sinh viên cũng phải hết sức cẩn thận như móc túi, giả làm người thân để cướp tài sản, lừa mua đồ giá rẻ… Đề phòng những cạm bẫy ở chốn thành thị đông người thì trước hết các bạn sinh viên phải tự cảnh giác, cẩn thận mọi lúc, mọi nơi. Tránh tiếp xúc quá thân cận với người xa lạ, người có dấu hiệu khả nghi, không đứng đắn và đặc biệt là xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn và thú vui chơi giải trí không phù hợp.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang