Những dòng xe ô tô gây bất an cho người dùng vì lỗi túi khí
Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy
Những trường hợp lạm dụng đèn báo khẩn cấp gây nguy hiểm nhiều tài xế mắc
Lái xe ô tô ở chính giữa làn đường- những sai lầm cơ bản nhiều tài xế mắc dẫn đến tai nạn
Mâm xe ô tô bị nứt- dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nhưng nhiều tài xế phớt lờ
Mang ô tô đi đại tu động cơ cần đặc biệt lưu ý để tránh bị 'rút ruột'
Túi khí là một trong những tính năng quan trọng tối thiểu cần có cho một chiếc ô tô, được xây dựng dựa trên nguyên tắc giữ cho cabin xe cứng vững ít bị biến dạng và đồng thời giảm thiểu chấn thương do hành khách bị “quăng quật” bên trong cabin khi xảy ra tai nạn, từ đó giúp hạn chế chấn thương cho hành khách ngồi trong.
Hệ thống túi khí là những thiết bị an toàn thụ động gồm: thân xe, đai an toàn và túi khí. Trong đó, túi khí gồm 3 bộ phận chính: túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.
Chất liệu tạo nên túi khí cho ô tô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu có khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết. Khi xảy ra va chạm, cảm biến có tên ACU sẽ nhận ra va chạm qua máy đo gia tốc, khi con số vượt ngưỡng cho phép sẽ kích hoạt ngòi nổ sản sinh dòng điện đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ khiến túi khí bung ra với tốc độ cực lớn, khoảng 300km/h. Và sau 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ xả phía sau để hành khách không bị mắc kẹt trong xe.
Dù túi khí giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tuy nhiên thời gian qua đã không ít hãng xe ô tô buộc phải triệu hồi do hệ thống này gặp lỗi.
Túi khí là hệ thống quan trọng nên một khi bị lỗi nó gây ra nhiều nguy hiểm cho tài xế. Ảnh minh họa
Gần 4.800 xe Volvo lỗi túi khí tại thị trường Trung Quốc
Cục quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc đã buộc phải phê duyệt chương tình triệu hồi xe bị lỗi do Volvo Thượng Hải nhập khẩu và phân phối.
Theo đó, sẽ có 4.779 xe bán trên thị trường sẽ bị triệu hồi do liên quan tới lỗi túi khí an toàn gồm 369 chiếc S60 và 4.410 xe thể thao đa dụng S80.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi là do bơm túi khí đằng trước phía người lái có thể bị vỡ và văng các mảnh vào người lái trong những trường hợp đặc biệt, đe dọa làm mất an toàn.
Được biết, trong năm 2020, ít nhất có 2 lần xe Volvo bán tại Việt Nam bị triệu hồi do các lỗi nguy hiểm khác nhau. Tại thị trường Việt Nam, Volvo cũng từng ra thông báo ít nhất 2 lần triệu hồi đối với hầu hết các mẫu xe được nhập khẩu và bán ra.
Hơn 3.000 xe hạng sang Mercedes do lỗi túi khí
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phê duyệt chương trình triệu hồi đối với 3.286 chiếc xe hạng sang Mercedes để khắc phục lỗi tại bộ phận túi khí hành khách phía trước bên cạnh người lái.
Xe thuộc diện bị lỗi buộc phải triệu hồi bao gồm mẫu xe C200, C250 Blue Efficiency, C300 và GLK 250 4Matic, GLK 220 CDI 4Matic, GLK 300 4Matic. Số xe này được sản xuất, lắp ráp trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2015.
Theo thông báo từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân là do bộ phận bơm túi khí Takata có thể được lắp ráp lỗi dẫn tới nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và điều kiện khí hậu nhất định. Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn và dẫn đến khả năng bộ bơm khí bị nứt vỡ. Túi khí khi đó có thể không phát huy tác dụng hạn chế va đập và những người ngồi trong xe có thể có nguy cơ bị chấn thương do các mảnh vỡ của bộ bơm khí văng ra bên trong xe.
Gần 3.000 xe Toyota Vios và Corolla Altis bị lỗi hệ thống túi khí
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Toyota Việt Nam đã triệu hồi 2 dòng xe Toyota Vios và Corolla Altis. Theo đó có 2.700 xe liên quan trong đợt triệu hồi lần này. Trong đó, 2.568 xe Vios xuất xưởng trong khoảng thời gian từ 13/9/2007 đến 31/12/2008 và 145 xe Corolla Altis xuất xưởng từ ngày 2/11/2004 - 28/5/2005.
Cả hai mẫu xe đều được Toyota lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc và bán ra tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân được chỉ ra là do lỗi liên quan tới hệ thống túi khí phía trước ghế hành khách.
Trước đó vào năm 2015, Toyota đã tiến hành triệu hồi số xe này để thay thế bằng cụm bơm túi khí mới theo chương trình triệu hồi gồm 4.000 xe. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, hơn 2.700 xe kể trên vẫn được thay thế bằng loại túi khí cũ do Takata cung cấp. Trong khi các xe còn lại được thay thế túi khí mới do Daicel sản xuất. Do đó, đợt triệu hồi lần này là để Toyota tiếp tục thay thế túi khí lỗi trên hai dòng xe Vios và Corolla Altis.
Ô tô Toyota, Honda triệu hồi hơn 6 triệu xe vì dính lỗi túi khí không bung khi va chạm
Trong một thông báo trước đó, Toyota cho biết đã thu hồi 3,4 triệu xe bị lỗi không bung túi khí trong trường hợp xảy ra tai nạn. Lỗi này liên quan đến bộ điều khiển túi khí được lắp trên xe.
Phần lớn số xe bị thu hồi thuộc các dòng Corolla (2011-2019), Matrix (2011 - 2013), Avalon (2012 - 2018) và Avalon Hybrid (2013 - 2018). Phía Toyota cho biết sẽ gửi thông báo đến các chủ xe sớm nhất vào tháng 3 tới.
Quyết định thu hồi được đưa ra sau một cuộc điều tra của Cơ quan An toàn giao thông cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA). Trong báo cáo được công bố, NHTSA cho biết đã xem xét kỹ 2 vụ va chạm nghiêm trọng liên quan tới Toyota và nghi ngờ sự cố quá tải điện là nguyên nhân khiến túi khí không bung. Tổng cộng, NHTSA cho biết, có tới 8 trường hợp tử vong có thể liên quan đến vấn đề này.
Nguy cơ từ lỗi hệ thống túi khí ô tô
Trong vài năm gần đây, hàng loạt vụ việc tai nạn liên quan đến túi khí ô tô trên thế giới, khiến cho người tiêu dùng phải quan tâm hơn về thiết bị an toàn này. Túi khí vốn được coi là một trong những trang bị cơ bản để bảo vệ hành khách trên xe khi xảy ra va chạm. Tuy nhiên, túi khí cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ nếu hệ thống này gặp lỗi.
Theo các chuyên gia về ô tô, với những xe ô tô bị dính lỗi túi khí, khi xảy ra tai nạn, hệ thống túi khí được kích hoạt, khí trơ được giải phóng có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ, khiến cho các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí, gây nguy hiểm cho người lái.
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề được xác định là do túi khí sử dụng nhiên liệu dựa trên amoni nitrat mà không có chất làm khô hóa học, theo thời gian sẽ bị giảm chất lượng do nhiệt độ và hơi ẩm xâm nhập, dẫn đến tình trạng trên.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, trong quá trình sử dụng tài xế cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu như: Đèn cảnh báo túi khí bật sáng, cảm biến không hoạt động, túi khí tự bung, thời hạn sử dụng của túi khí đã hết chưa... để có cách xử lý kịp thời, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
An Dương