Những nguyên nhân khiến ô tô bị hụt ga người dùng cần biết để xử lý
Gần 2.000 ô tô Ford Explorer bán tại Việt Nam bị triệu hồi vì lỗi camera
Bộ Công an đề xuất ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình
Những phụ kiện trên ô tô có thể gây nguy hiểm cho người lái
Nguy cơ rò rỉ dữ liệu từ hệ thống công nghệ trên ô tô
Hụt ga có nguy hiểm?
Ô tô bị hụt ga là hiện tượng chiếc xe bị sụt giảm công suất, khả năng tăng tốc của xe giảm sút hay khi đạp ga mà khả năng gia tốc của xe gần như không có. Hiện tượng này thường xuyên xuất hiện khi công suất của động cơ thiếu ổn định, do nhiên liệu cung cấp đến buồng đốt không đủ khiến cho lực đẩy tạo ra không đủ mạnh. Vậy nên, mỗi khi xe hơi gặp phải tình trạng hụt ga sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành và khả năng tăng tốc của xe.
Hụt ga gây nguy hiểm khi lái xe. Ảnh minh họa
Khi thấy dấu hiệu xe ô tô bị hụt ga, chủ xe nên sớm kiểm tra và xử lý, bởi càng để lâu tình trạng lỗi sẽ càng nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ mà còn dễ dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm khi lái xe, nhất là vượt xe hay leo dốc do xe không đủ lực để tăng tốc đúng ý.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hụt ga trên ô tô
Thiếu hụt lượng không khí cấp vào buồng đốt: Nếu lượng không khí cung cấp cho buồng đốt không đủ sẽ làm giảm hiệu quả đốt cháy. Điều này khiến cho công suất động cơ bị ảnh hưởng, gây ra hiện tượng xe ô tô hụt hơi. Nguyên nhân chính khiến cho không khí không vào đủ buồng đốt là do hỏng lọc gió.
Hệ thống cảm biến trục trặc: Hệ thống cảm biến chịu trách nhiệm theo dõi và truyền thông tin đến ECU - giúp tính toán xác định chính xác mức nhiên liệu, không khí cung cấp vào buồng đốt. Nếu các bộ cảm biến này gặp lỗi thì thông tin truyền đến ECU sẽ bị sai lệch, dẫn đến hiệu quả đốt cháy không cao và có thể gây ra hiện tượng xe ôtô bị hụt ga.
Hệ thống cung cấp nhiên liệu bị lỗi: Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến xe ô tô bị hụt ga là lượng nhiên liệu cung cấp cho buồng đốt không đủ. Trong trường hợp này, có thể hệ thống cung cấp nhiên liệu bị lỗi một trong các bộ phận sau:
- Ống dẫn nhiên liệu rò rỉ hoặc bị tắc;
- Bơm nhiên liệu bơm yếu, không cung cấp đủ lượng nhiên liệu cần thiết;
- Lọc nhiên liệu đóng quá nhiều cặn bẩn sau thời gian dài hoạt động dẫn đến tắc nghẽn, không cung cấp đủ nhiên liệu tới buồng đốt;
- Kim phun bám bẩn, đóng cặn gây tắc kim phun.
Khí thải bị tắc nghẽn: Lượng khí thải từ quá trình đốt cháy động cơ không thể thoát ra ngoài cũng ảnh hưởng đến công suất động cơ, khiến xe ô tô bị hụt ga. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này có thể do:
- Bộ chuyển đổi xúc tác quá nhiệt, hư hỏng khiến khả năng lưu thông của khí thải bị giảm và gây áp suất ngược lại buồng đốt làm ảnh hưởng đến công suất động cơ;
- Ống dẫn khí thải bị móp méo khiến lượng khí thải không thể lưu thông.
Hỏng dây đai trục cam: Dây đai trục cam bị hỏng cũng là nguyên nhân khiến xe tăng tốc kém. Ngay cả khi thay mới dây nếu không lắp chính xác cũng khiến xe ôtô tăng tốc kém.
Áp suất trong xi lanh thấp: Để có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho ô tô vận hành trơn tru, thì xi lanh phải có áp suất đủ lớn để đảm bảo quá trình đốt cháy nhiên liệu được diễn ra ổn định. Nếu mức áp suất thấp thì ảnh hưởng đến sức mạnh động cơ, khi xe lên dốc hoặc tăng tốc sẽ bị hụt ga, có thể đạp ga không lên.
Nếu sau khi thực hiện các bước kiểm tra và sửa chữa mà vẫn không khắc phục được tình trạng hụt hơi, thì bạn nên đưa xe đến một cửa hàng dịch vụ ô tô có kinh nghiệm để kiểm tra và sửa chữa thêm. Điều này đảm bảo bạn sẽ tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn khi lái xe.
Duy Trinh (t/h)