Những nhà khoa học Việt nổi tiếng: GS Vũ Công Hòe

author 20:09 30/01/2014

(VietQ.vn) - Cho đến giữa những năm 1960, dưới sự chỉ đạo của GS Vũ Công Hòe và tập thể Ban lãnh đạo, Khoa Giải phẫu bệnh đã có những biến chuyển mạnh mẽ, đặc biệt là thay đổi về mặt tổ chức, theo hướng phục vụ bệnh nhân và lâm sàng, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Gắn bó với chuyên ngành Giải phẫu bệnh từ rất sớm, bác sĩ Vũ Công Hòe đã góp phần trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó, ông cũng luôn đề cao vai trò giải phẫu bệnh trong công tác khám chữa bệnh, giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), bác sĩ Vũ Công Hòe đã cùng các đồng nghiệp tích cực xây dựng và phát triển Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có Khoa Giải phẫu bệnh (vào thời điểm đó gọi là Khoa Cơ thể bệnh), ông đã có những đóng góp nhất định vào việc phát triển Khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và ngành Giải phẫu bệnh của Việt Nam nói chung. 

Chặng đường đầu xây dựng và phát triển

Trước năm 1954, Khoa Cơ thể bệnh chỉ có một phòng mổ xác với hai bàn mổ cùng hai cán bộ kỹ thuật: một bác sĩ và một y tá; mỗi tháng Khoa chỉ thực hiện mổ được dăm ba tử thi. Chính vì thế, theo thống kê của GS Vũ Công Hòe, trong 9 năm, từ 1947 đến 1955, cả Khoa chỉ tiến hành mổ được 85 trường hợp (Tuy nhiên, con số này đã tăng lên đáng kể từ năm 1956 đến 1963, số tử thi được mổ là 5610 trường hợp). Cũng vào thời gian trước khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, liên hệ với công tác lâm sàng của Khoa rất lỏng lẻo, vấn đề giảng dạy sinh viên trên bàn mổ xác gần như không được đặt ra, công tác nghiên cứu khoa học không được chú trọng và chỉ dựa trên một vài trường hợp cá biệt

GS Vũ Công Hòe (áo sẫm mầu) trong một buổi làm việc với các đồng nghiệp và                      chuyên gia Pháp tại trường Đại học Y Hà Nội, 1985

GS Vũ Công Hòe (áo sẫm mầu) trong một buổi làm việc với các đồng nghiệp và  chuyên gia Pháp tại trường Đại học Y Hà Nội, 1985

Và theo như đánh giá của GS Vũ Công Hòe “nếu Thủ đô không giải phóng, thì có lẽ ngày nay Khoa Giải phẫu bệnh cũng vẫn giống hệt như hai mươi lăm năm về trước… Nhờ có ngọn sóng cách mạng mạnh mẽ lôi cuốn, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, của những người lao động và của Nhà nước, Khoa Giải phẫu bệnh mới có được những thay đổi lớn lao như ngày nay, trong mọi lĩnh vực hoạt động".

Dẫn ra một thí dụ điển hình về khu đại thể (nhà xác) của Khoa Giải phẫu bệnh trước giải phóng là “một khu nhà bẩn thỉu dùng để vừa chứa xác, vừa cho người ở. Nhân viên làm việc không kể giờ giấc, theo sở thích của Chủ nhiệm khoa. Tử thi mổ xong có khi không cần khâu lại, bệnh án khi làm, khi không. Sự phối hợp với lâm sàng dường như không cần thiết, nhân viên nhà đại thể bị coi như những người bỏ đi, không ai thèm nhòm ngó và được sắp xếp vào một công tác mà người ta thường cho là ghê tởm…”.

Tuy nhiên, từ sau năm 1954, sau quá trình xây dựng lâu dài, gian khó, tình trạng nói trên ở Khoa Giải phẫu bệnh đã không còn nữa, thay vào đó là việc: “Anh em nhân viên của nhà đại thể đã bỏ được sự tự ti và đóng góp phần tích cực của mình trong công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bằng cách biến một khu làm việc tối tăm, bẩn thỉu về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần thành một nơi sạch sẽ gọn gàng để đón những bệnh nhân tử vong, tiếp những gia đình thân chủ và tạo mọi điều kiện tốt cho công tác kiểm điểm tử vong, phục vụ lâm sàng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học".

Theo GS Vũ Công Hòe, trước năm 1954, công tác mổ xác thường làm rất sơ sài, làm để xem qua cho biết, không có mục đích, yêu cầu rõ ràng. Sau năm 1954, dưới sự lãnh đạo của ông, mục tiêu được đặt ra hết sức rõ ràng đó là “kiểm tra tử vong, đánh giá chất lượng điều trị, sử dụng tài liệu làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học”. Để đạt những mục tiêu trên, GS Vũ Công Hòe đã chỉ đạo Khoa Giải phẫu bệnh cải tiến và hợp lý hóa một số biện pháp kỹ thuật, như mổ đầy đủ và toàn diện, nghiên cứu và phân tích các hồ sơ bệnh án lâm sàng, xây dựng và bảo quản các hồ sơ bệnh án giải phẫu bệnh, trên cơ sở đó nắm vững và phân loại các bệnh tật gây tử vong…

Cho đến giữa những năm 1960, dưới sự chỉ đạo của GS Vũ Công Hòe và tập thể Ban lãnh đạo, Khoa Giải phẫu bệnh đã có những biến chuyển mạnh mẽ, đặc biệt là thay đổi về mặt tổ chức, theo hướng phục vụ bệnh nhân và lâm sàng, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Khoa được chia làm nhiều bộ phận với chức năng rõ rệt: Bộ phận đại thể gồm 1 phòng để xác, 2 phòng mổ xác với 4 bàn mổ; Bộ phận vi thể có trách nhiệm tiếp tục công tác của bộ phận đại thể, có nơi cắt bệnh phẩm để cuốn nén và làm tiêu bản, có nơi chuẩn bị bệnh nhân, nơi cắt, nhuộm và bảo quản các tiêu bản..; Bộ phận cất lạnh cơ thể chuẩn bị những tiêu bản, cho phép chẩn đoán trong vòng 15-20 phút để phục vụ các xét nghiệm cao cấp; Bộ phận tổ chức hóa học cho phép tìm hiểu sâu hơn một số vấn đề về giải phẫu bệnh hiện đại; Bộ phận tranh ảnh mô tả về mặt đại thể cũng như vi thể những tổn thương cần được chứng minh trong các công trình và báo cáo khoa học; Bộ phận vi trùng và ký sinh trùng giúp đỡ giải phẫu bệnh, tìm hiểu nhiều bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng; Bộ phận giải phẫu bệnh thực nghiệm cho phép nghiên cứu trên súc vật một số vấn đề sinh học, như truyền bệnh, phòng bệnh, điều trị,..

Luôn đề cao vai trò của giải phẫu bệnh

Từ những năm 1960, GS Vũ Công Hòe đã luôn đề cao vai trò của giải phẫu bệnh, ông cho rằng “mổ xác” là phương pháp duy nhất và khoa học nhất để giải phẫu học tìm hiểu hình thái và cấu tạo của cơ thể con người. Mổ xác lâm sàng mới có thể kiểm tra được việc chẩn đoán và phương pháp điều trị trong những trường hợp tử vong có nguyên nhân phức tạp. Trong công tác này (mổ xác), giải phẫu bệnh học đóng góp rất đắc lực với lâm sàng, nhưng nó đi sâu và xa hơn khi mô tả và phân tích hình thái đại thể cũng như vi thể của các tổn thương.

Giải phẫu bệnh học có tham vọng và trách nhiệm cắt nghĩa nguyên nhân và quá trình gây ra tổn thương, nghĩa là cắt nghĩa căn nguyên sâu xa của bệnh tật. Theo GS Vũ Công Hòe, để làm được điều này không phải dễ dàng và không phải bao giờ cũng làm được, “vì đó là điều mà từ ngàn xưa khoa học nói chung cũng như y học đã tự đặt ra cho mình để giải quyết, giải thích cái “tại sao” và cái “thế nào” của sự vật”

Về những thành tích mà Khoa Giải phẫu bệnh đạt được trong công tác lâm sàng cũng như phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, GS Vũ Công Hòe chỉ rõ: Bằng những sinh thiết, giải phẫu bệnh giúp lâm sàng chẩn đoán một số bệnh ngoài da hay ở những cơ quan có thể phẫu thuật được để xét nghiệm; Bằng tử thiết, giải phẫu bệnh kiểm tra những chẩn đoán và điều trị: đúng hay sai hoặc sai một phần; Khi chẩn đoán đúng, nó phát hiện thêm những bệnh tật mà lâm sàng chỉ mới trông thấy một phần: ví dụ lao màng não, lao phổi, lao phúc mạc,… hoặc phát hiện những bệnh phối hợp như lao phổi trong xơ gan, loét dạ dày trong, chảy máu não do xơ cứng động mạch,…; Khi chẩn đoán sai, nó phát hiện những thiếu sót của lâm sàng, hoặc tìm hiểu và cắt nghĩa những chẩn đoán khó, ví dụ xơ gan không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, áp xe gan tiềm tàng,…

Trong phục vụ nghiên cứu khoa học, theo GS Vũ Công Hòe, giải phẫu bệnh bảo đảm nhận xét khoa học, khách quan, đầy đủ những tổn thương được phát hiện do mổ xác theo một kỹ thuật thích hợp; Chuẩn bị hồ sơ, bệnh án đầy đủ để sử dụng khi cần thiết; Thu thập tài liệu về các mặt như tranh ảnh, bệnh phẩm đại thể, tiêu bản vi thể… làm cơ sở cho các công trình nghiên cứu; Tùy theo hoàn cảnh, giải phẫu bệnh đóng góp vào những vấn đề điều tra nghiên cứu tình hình bệnh tật, hoặc làm sáng tỏ thêm những vấn đề y học còn đang được bàn cãi. Ngoài ra, giải phẫu bệnh còn đóng góp vào công tác nghiên cứu của các bộ môn lâm sàng cũng như phi lâm sàng khác (nội, ngoại, sản, nhi, sinh lý, dược liệu, đông y…).

Ông cho rằng, hướng nghiên cứu của cán bộ ở Bệnh viện Bạch Mai phải “chú ý phục vụ yêu cầu trước mắt của thực tế Việt Nam. Riêng về giải phẫu bệnh thì phải nêu được những đặc điểm của tình hình bệnh tật và tình hình tử vong, để phối hợp với lâm sàng đặt vấn đề điều trị và phòng bệnh. Khoa Giải phẫu bệnh đã đạt được những kết quả bước đầu: phân loại các bệnh gây tử vong, đánh giá được tầm quan trọng và hướng phát triển của từng nhóm bệnh. Đồng thời đã đóng góp vào việc nghiên cứu một số bệnh hay gặp ở nước ta như bệnh áp xe gan, xơ gan, ung thư gan, ung thư phổi, viêm não.

Một điều đáng chú ý là để phục vụ sản xuất, chúng ta đã bước ra ngoài phạm vi của phòng giải phẫu bệnh, nghiên cứu các sinh hóa, song với mục đích để phòng và điều trị một số bệnh của người và gia súc, như bệnh tụ cầu trùng vàng, bệnh suyễn lợn…”Ông cũng hết sức chú ý phát triển đội ngũ kế cận phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học: “Theo khẩu hiệu giải phóng kỹ thuật, giải phóng khoa học, chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ rất trẻ, tuy còn ít kinh nghiệm nhưng có rất nhiều tương lai. Không những chỉ cán bộ cao cấp của ta mới đóng góp vào công tác nghiên cứu khoa học mà các cán bộ trung cấp, sơ cấp, tùy theo mức độ, tùy theo khả năng đều tham gia công tác đó, đúng như đường lối của Đảng là đem khoa học đến cho tất cả mọi người”.

Trong công tác phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ, GS Vũ Công Hòe cho rằng, đó là nhiệm vụ của bất cứ một khoa lâm sàng hay phi lâm sàng nào. Ngoài việc giảng dạy và bồi dưỡng về chuyên khoa của mình, giải phẫu bệnh có khả năng hỗ trợ các chuyên khoa lâm sàng, làm cho mỗi cán bộ có thể cụ thể hóa những vấn đề lý luận trừu tượng bằng những hình ảnh thực tế dưới kính hiển vi hay trong phòng mổ xác.

Ngoài những nhiệm vụ cơ bản trên, ngành Giải phẫu bệnh nói chung và Khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng còn có vai trò chỉ đạo ngành dọc. Ông nhấn mạnh: Đã đến lúc các bệnh viện, các trường y, các viện nghiên cứu, các bộ môn lâm sàng hay phi lâm sàng cần phải có những phòng thí nghiệm về giải phẫu bệnh. Và “trong một nền y học có tổ chức, thực tế khách quan đòi một sự lãnh đạo thống nhất để đảm bảo chất lượng, tăng cường sự đóng góp và tạo điều kiện cho ngành cơ thể bệnh tiến lên”

Gắn bó với ngành Giải phẫu bệnh từ khi chập chững vào nghề, GS Vũ Công Hòe đã chứng kiến những phát triển không ngừng của ngành, nhưng với ông, vẫn còn đó nhiều việc phải làm để phục vụ thiết thực hơn cho y học. Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế năm 1986, Giáo sư nhấn mạnh tới việc phát triển ngành Giải phẫu bệnh ở các Bệnh viện địa phương: “Cấp tỉnh về nguyên tắc đã sử dụng giải phẫu bệnh nhưng chưa được phổ biến và nhiều khi coi như không cần thiết, vì chưa thấy yêu cầu phải chẩn đoán chính xác thì khó nói đến nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như bệnh nhân thật sự”.

Chính vì vậy ông cho rằng “nghiên cứu khoa học không nên chỉ coi như độc quyền của các cấp cao, vừa không đi theo đường lối quần chúng, vừa không phù hợp với thực tiễn là những vấn đề khoa học thật sự như dịch tễ học, y học môi trường. Sự tham gia của đông đảo quần chúng là cần thiết, không chỉ quần chúng y học mà cả quần chúng nhân dân nói chung, nếu được giác ngộ về quyền lợi sức khỏe”.

 Ông cũng mạnh dạn đưa ra những kiến nghị nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành: Đối với Bộ, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho những chuyên khoa chưa phải là viện, có kế hoạch và phương tiện tiếp xúc với các cơ sở; Đối với các địa phương, phải liên hệ trực tiếp với các chuyên khoa đầu ngành hoặc Bệnh viện Bạch Mai để có kế hoạch và biện pháp thực hiện… Ngoài ra, ông cũng đề xuất phương hướng phát triển ngành giải phẫu bệnh trên các khía cạnh như: tăng cường đội ngũ cán bộ ở cấp trung ương và địa phương; mở rộng cơ sở nghiên cứu, trang thiết bị cho ngành ở các bệnh viện, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm…

Nhìn lại sự hình thành và phát triển của Khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Bạch Mai, không thể không nhắc tới vai trò của GS Vũ Công Hòe. Ông chính là người đã đặt nền móng, xây dựng và nâng tầm vai trò chuyên ngành Giải phẫu bệnh đối với công tác khám chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong ngành Y nói chung.

Nguyễn Thanh Hóa

(Trung tâm Di sản các nhà khoa học)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang