Mắt dễ bị nhiễm khuẩn nặng nếu dùng kính áp tròng kém chất lượng, dung dịch bảo quản hết hạn
Những tác hại khi mặc quần áo 'sida' nhập lậu
Tác hại của những loại quả được bảo quản và thúc chín bằng hóa chất
Phấn trang điểm giá rẻ có thể gây nhiều tác hại
Tác hại khi ăn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc
Kính áp tròng còn được gọi là lens, kính tiếp xúc. Đây là loại kính ôm sát vào giác mạc, hình chảo, có độ cong phù hợp với giác mạc và không cần gọng đỡ. Kính được làm từ chất liệu tổng hợp, đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của mắt.
Khi bám sát vào giác mạc, sẽ có một lớp nước mỏng ngăn cách giữa bề mặt giác mạc với kính áp tròng, giúp kính có thể di chuyển theo chuyển động của mắt. Lớp nước này sẽ được thay mới liên tục bởi nước mắt, làm giảm nguy cơ bám đọng vi khuẩn. Đồng thời, lớp nước nằm giữa giác mạc và kính áp tròng còn giúp bôi trơn và giảm trầy xước giác mạc.
Kính áp tròng được sử dụng để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị,... Có nhiều loại kính áp tròng với công dụng, màu sắc khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Việc sử dụng kính áp tròng mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp người đeo có tầm nhìn tốt hơn, nhìn bao quát không gian xung quanh và không có cảm giác nhìn mờ, nhòe do các yếu tố khách quan. Tuy nhiên nếu lạm dụng đeo kính áp tròng, sử dụng những loại nguồn gốc không rõ ràng hoặc vệ sinh kính, đeo kính không đúng cách sẽ gây ra những vấn đề bệnh lý nghiêm trọng về mắt.
Đeo kính áp tròng cần đúng cách, chất lượng đảm bảo nếu không sẽ dễ gây tác hại. Ảnh minh họa
Sử dụng các loại kính không đạt tiêu chuẩn
Sử dụng các loại kính áp tròng giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân hàng đầu gây hỏng mắt. Chất liệu làm nên các loại kính áp tròng này thường không đảm bảo tiêu chuẩn, dễ nhiễm khuẩn mắt, gây tổn thương mắt cho người dùng, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa.
Đeo kính áp tròng khi mắt đang bị tổn thương
Đeo kính áp tròng khi nhận thấy các triệu chứng như đỏ, ngứa, sưng và nóng trong mắt sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng mắt và làm tình trạng này thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, kính áp tròng cũng là nguyên nhân khiến đôi mắt bị tổn thương. Do đó, hãy kiểm tra mắt kính cẩn thận tránh tình trạng kính bị vỡ, rách hoặc nhiễm trùng.
Lạm dụng đeo kính thường xuyên gây loét giác mạc
Nếu đeo kính áp tròng thường xuyên sẽ làm mắt thiếu oxy, dẫn đến khô mắt, đau mắt, nghiêm trọng hơn sẽ gây loét giác mạc, thậm chí mù lòa. Đồng thời, kính áp tròng còn làm giảm cảm giác ở giác mạc, dễ gây loét giác mạc nếu đeo thường xuyên. Bên cạnh đó còn một số nguy cơ khác như: viêm kết mạc, sưng, dị ứng, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng…
Dùng dung dịch kính mắt đã hết hạn hoặc tự thay đổi dễ nhiễm khuẩn
Việc sử dụng dung dịch bảo quản kính đã hết hạn hoặc tự ý thay đổi dung dịch sẽ khiến kính bị nhiễm khuẩn. Do đó, khi ngâm rửa kính áp tròng trong dung dịch này sẽ là cầu nối để ký sinh trùng tấn công mắt. Riêng đối với kính áp tròng có màu sẽ làm giảm tầm nhìn của mắt, gây nhức mỏi.
Đeo kính áp tròng khi ngủ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt gấp 6-8 lần
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những người có thói quen không tốt khi sử dụng kính áp tròng, đặc biệt đeo khi ngủ có thể tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn mắt từ 6-8 lần.
Tờ Science World Report vừa trích dẫn báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) về tác hại của kính áp tròng với sự tổn thương của mắt. Theo đó, cứ năm người đeo kính áp tròng lại có một người xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng mắt và dẫn tới tổn thương mắt nghiêm trọng.
Giám đốc Chương trình Nước sạch cho sức khỏe của CDC, ông Michael Beach cho biết, kính áp tròng vẫn là một dụng cụ an toàn và hiệu quả trong việc điều chỉnh thị giác nếu được chăm sóc kỹ càng theo chỉ dẫn của các chuyên gia nhãn khoa.
Trường hợp ngược lại nếu người đeo không tuân thủ những chỉ dẫn đó, nguy cơ nhiễm trùng mắt và nặng hơn là tổn thương mắt vĩnh viễn là rất cao.
Các bệnh nhân trong nghiên cứu gặp phải tình trạng giác mạc bị sẹo, cần ghép giác mạc sớm hoặc có trường hợp bị tổn thương do nhiễm trùng. Trong đó có hơn 10% bệnh nhân gặp các triệu chứng trên đã tới các bệnh viện hoặc phòng khám để điều trị khẩn cấp.
Thực tế, các chất liệu làm kính áp tròng hiện nay chưa thể đảm bảo lượng oxy cho giác mạc khi ngủ. Thậm chí, các loại kính áp tròng có công suất cao (cận hoặc viễn nặng) hoặc kính loạn thị đôi khi có thể làm giảm lượng oxy vào mắt nhiều hơn so với thông thường. Điều này dẫn tới tình trạng giác mạc bị thiếu oxy gây khô mắt, khó chịu.
Nhiều biến chứng khác cũng nguy hiểm không kém nếu người dùng đeo kính áp tròng khi ngủ như tân mạch giác mạc, biến đổi độ cong giác mạc gây nên tình trạng nhìn mờ khi đeo gọng kính sau đó hoặc viêm kết mạc và viêm giác mạc khá trầm trọng.
Nghiên cứu cho thấy, có khoảng hơn 1/4 số người bị nhiễm trùng mắt do đeo kính áp tròng khi ngủ, hoặc đeo lâu hơn so với khuyến cáo của bác sỹ nhãn khoa. Để phần nào làm giảm tình trạng trên, CDC đã kêu gọi mọi người ngừng đeo kính áp tròng khi ngủ.
Cùng với đó CDC cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng mắt lên tới 6-8 lần nếu người dùng vẫn cố tình đeo kính áp tròng khi ngủ. Ngoài ra, người dùng kính áp tròng cũng nên thay thế kính thường xuyên nhằm tránh các nguy cơ lây nhiễm và bệnh tật cho mắt.
An Dương (T/h)