Tác hại nghiêm trọng khi đổ dư dầu động cơ ô tô
Nhận diện những dấu hiệu cảnh báo điện thoại thông minh đã bị kẻ xấu xâm nhập
Thiết bị kích sóng điện thoại vẫn rao bán tràn lan trên mạng bất chấp cảnh báo
Bản tin Cảnh báo: Gà ủ muối hoa tiêu siêu rẻ - chất lượng có đảm bảo?
Dầu nhớt làm mát động cơ bởi nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu là rất lớn. Dầu nhớt luân chuyển liên tục giúp làm mát, tránh tình trạng động cơ bị quá nóng hay cháy pít-tông. Dầu nhớt giúp làm sạch động cơ, bởi việc đốt cháy nhiên liệu lien tục sẽ sản sinh ra muội đọng lại trong động cơ. Công dụng của dầu nhớt là cuốn trôi và làm sạch những muội bám này.
Dầu nhớt có tác dụng chống gỉ. Lớp dầu bao phủ bề mặt của các chi tiết kim loại trong động cơ giúp hạn chế sự tiếp xúc với không khí. Dầu nhớt giúp tránh được hiện tượng ôxy hóa dẫn đến han gỉ. Dầu nhớt còn giúp bôi trơn động cơ. Khi động cơ vận hành, lực ma sát giữa các bộ phận này với nhau là rất lớn. Dầu nhớt giúp bôi trơn, làm giảm lực ma sát và tăng hiệu suất vận hành và tuổi thọ động cơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đổ thừa dầu nhớt ô tô có thể gây những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới độ bền của động cơ.
Nóng máy, nặng máy
Khi bất cẩn đổ dầu vượt quá lượng cần thiết, bình chứa dầu quá đầy khiến số dầu nhớt thừa tắc nghẽn, khó dịch chuyển. Vì vậy, khi khởi động máy, trục máy xoay sẽ khiến cho không khí trà trộn vào lượng nhớt thừa, sinh ra các bọt khí. Dầu nhớt có lẫn bọt khí sẽ bị giảm khả năng bôi trơn, tệ hơn là không thể lưu thông trong các chi tiết máy, làm động cơ máy bị nóng, cũng như các chi tiết tại đầu máy bị hư hại.
Việc đổ thừa dầu nhớt ô tô có thể gây những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới độ bền của động cơ. Ảnh minh họa
Rách mối hàn và màng đệm
Giữa các chi tiết động cơ thường có nhiều khe hở và các mối hàn, màng đệm là những bộ phận có tác dụng lấp đầy chúng. Lượng dầu máy tra thừa sẽ khiến đầu máy quá sức chịu đựng, tạo sức ép lên toàn bộ hệ thống, kể cả các mối hàn và màng đệm cũng bị nứt, rách, gây hiện tượng rò rỉ và cạn dầu. Điều này sẽ khiến chẳng mấy chốc bạn lại phải đổ thêm dầu hoặc thay dầu vì dầu cũ đã lẫn không khí cũng như khả năng bôi trơn không còn hiệu quả.
Gây khói xanh
Dầu máy bị đổ dư có thể bị sục lên buồng đốt trong quá trình xe di chuyển. Lượng dầu nhớt này sẽ bị đốt cháy như xăng, tạo ra khói xanh, gây ô nhiễm môi trường. Nếu để lâu không xử lý, bộ lọc khí thải sẽ bị tắc nghẽn, tệ hại hơn là turbo động cơ bị vỡ.
Tay biên bị cong, gãy
Dầu nhớt quá nhiều sẽ tạo ra sức ép và lực cản đối với các chi tiết động cơ, khi tiếp xúc với tay biên và trục khuỷu sẽ gây nên nhiều ma sát. Điều này khiến tay biên dễ bị cong, thậm chí là gãy tay biên và vỡ máy.
Gây áp lực lớn lên động cơ, trượt ly hợp
Các gioăng phớt cao su nằm ở vị trí đầu, cuối trục khuỷu có chức năng ngăn dầu tràn ra ngoài. Nếu bạn lỡ tay đổ dư dầu, lượng dầu lớn sẽ tạo thêm áp lực cho động cơ cũng như các phớt dầu. Do các gioăng phớt cao su này khá mỏng manh nên dầu có thể tràn ra ngoài dễ dàng. Các chuyên gia bảo dưỡng ô tô cũng cho rằng điều này khá nguy hiểm, dầu nhớt nếu tràn qua bánh đà sẽ gây nên hiện tượng trượt côn. Lúc này, lực được tạo ra từ động cơ không thể đi đến hộp số 100%, gây giảm hiệu suất di chuyển của ô tô. Như vậy, việc đổ dầu động cơ ô tô không đơn giản ở việc đổ quá nhiều dầu mà nó còn gây ra rất nhiều hậu quả hư hại cho bản thân chiếc xe và môi trường xung quanh.
Cổ hút dầu bị nghẹt
Quá nhiều dầu nhớt có thể khiến dầu tràn qua ống thoát hơi. Nhiệm vụ của nó là giúp hút bớt hơi dầu trong các-te ra ngoài và giảm áp suất tạo ra bởi pít-tông. Ống thoát này đưa hơi dầu trở lại buồng đốt thông qua cổ hút gió. Nếu có quá nhiều dầu trong các-te, dầu có thể chạy ngược lại thông qua đường ống này, lọt vào buồng đốt thông qua cổ hút gió. Hậu quả là cổ hút bị nghẹt, ảnh hưởng tới hiệu suất của dầu nhớt.
Cách xử lý khi đổ quá nhiều dầu nhớt
Đổ quá nhiều dầu vào động cơ gây ảnh hưởng tới hiệu suất và độ bền của động cơ. Do vậy, nếu lỡ đổ quá nhiều dầu nhớt vào động cơ ô tô thì cần phải xử lý ngay lập tức bằng việc thay lại dầu hoặc hút dầu thừa. Tốt nhất người dùng nên mang xe đến gara bảo dưỡng để kịp thời khắc phục.
Khánh Mai (t/h)