Những thực phẩm có thể nguy cơ gây ung thư hàng đầu

authorNgọc Nga 17:01 20/03/2023

(VietQ.vn) - Ung thư là một căn bệnh quái ác hiện nay. Một trong những nguyên nhân dẫn tới ung thư chính là do các loại thực phẩm ăn hàng ngày.

Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư. Theo GLOBOCAN, tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, hiện có 354.000 người 'sống chung' với ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư. 

Ung thư là một căn bệnh phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh yếu tố di truyền và tiền sử bệnh lý gia đình, các thói quen sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống cũng có thể dẫn đến căn bệnh này.

Theo các chuyên gia, các loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư thường chứa các chất gây viêm, làm tăng cả nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Các nhà khoa học đã chỉ ra những loại thức ăn dễ dẫn đến căn bệnh này, như sau:

Thịt chế biến

Thịt đã qua chế biến là các loại thịt được bảo quản bằng cách xông khói, ướp muối, đóng hộp. Hầu hết thịt chế biến hiện nay là thịt đỏ, cho ra các thành phẩm như xúc xích, lạp xưởng, thịt bò muối, thịt bò khô.

Các phương pháp chế biến thịt cũng có thể tạo ra những chất gây ung thư. Theo nghiên cứu năm 2018 tại Mỹ, xử lý thịt bằng nitrit tạo ra hợp chất N-nitroso, hydrocarbon gây ung thư.

Cũng theo nghiên cứu tại Mỹ năm 2019, các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư trực tràng và ung thư đường ruột. Nghiên cứu khác chỉ ra rằng loại thực phẩm này làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn là thủ phạm có thể gây ung thư. Ảnh minh họa

Đồ chiên rán

Khi được nấu ở nhiệt độ cao bằng các hình thức như chiên, nướng, quay, thực phẩm giàu tinh bột giải phóng một hợp chất gọi là acrylamide. Khoai tây chiên, khoai lang chiên có hàm lượng acrylamide cao hơn cả. Nghiên cứu năm 2018 trên chuột cho thấy acrylamide là chất gây ung thư, có thể làm hỏng DNA và hủy hoại tế bào. Ăn nhiều đồ chiên rán cũng làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Những điều kiện này thúc đẩy quá trình oxy hóa, viêm nhiễm, tăng khả năng ung thư.

Thức ăn quá chín

Thực phẩm nấu quá chín, đặc biệt là thịt, có thể tạo ra chất gây ung thư. Theo nghiên cứu, nấu thịt với nhiệt độ cao sẽ giải phóng PAHs và các amin dị vòng (HCA). Những chất này làm tăng nguy cơ đột biến DNA, sản sinh tế bào ung thư.

Cách chế biến tạo nhiệt độ quá cao với thực phẩm bao gồm nướng, chiên, rán. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, chuyên gia khuyến khích nấu ăn bằng nồi áp suất, nướng hoặc rang thực phẩm ở nhiệt độ thấp, nấu chậm trong các loại nồi sành hoặc nồi nấu chậm chuyên dụng.

Sữa

Một số bằng chứng của các nhà khoa học Đan Mạch cho thấy, sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai hoặc sữa chua có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Theo đánh giá năm 2014, uống sữa làm tăng mức độ các yếu tố tăng trưởng như insulin 1 (IGF-1), tăng sản xuất tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Theo thông tin trên trang Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông, tổ chức này đã kiểm tra 15 loại sữa bột công thức dành cho trẻ em và phát hiện các mẫu này đều nhiễm chloropropanediol (3-MCPD) - một loại hóa chất làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của các bé trai khi trưởng thành và 9 mẫu sữa bột được phát hiện có chứa chất gây ung thư glycidol. Đáng nói là trong những mẫu sữa chứa chất độc hại này có các nhãn hàng thuộc thương hiệu nổi tiếng như Wyeth, Mead Johnson, Abbott, Meiji…

Đường và carbohydrate tinh chế

Thực phẩm có đường và carb tinh chế như mì ống trắng, bánh mì trắng, gạo trắng, ngũ cốc có đường gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư. Theo nghiên cứu xuất bản năm 2020 tại Mỹ, các chất này dễ dẫn đến béo phì và tiểu đường tuýp 2. Đây là hai điều kiện tốt thúc đẩy quá trình hình thành viêm và stress oxy hóa, làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Theo phân tích năm 2019, bệnh tiểu đường tuýp 2 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, ung thư vú và nội mạc tử cung. Đường và carb tinh chế cũng gây tình trạng đường huyết cao, dễ dẫn đến ung thư đại trực tràng. Để hạn chế ảnh hưởng của carb tinh chế, chuyên gia khuyến nghị sử dụng bánh mì nguyên cám, gạo lứt và yến mạch thay thế.

 Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang