Nike đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung giày sản xuất tại Việt Nam

author 06:18 21/07/2021

(VietQ.vn) - Theo báo cáo mới đây của S&P Global Market Intelligence, hãng giày nổi tiếng thế giới Nike có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung giày sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.

Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi hai nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam là ChangShin Vietnam Co. và Pou Chen Corp đã phải dừng dây chuyền sản xuất trong thời gian gần đây do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trong khu vực. Trong năm tài chính 2020, Nike cho biết, các nhà máy hợp đồng của hãng tại Việt Nam sản xuất khoảng 50% trong tổng số mặt hàng giày dép của thương hiệu.

Một phân tích mới từ S&P Global Market Intelligence cũng chỉ ra rằng, Việt Nam chiếm khoảng 49% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển Hoa Kỳ liên quan đến Nike và các sản phẩm của hãng thời trang thể thao trong quý II/2021.

 Nhà máy sản xuất giày Nike tại Thành phố Hồ Chí Minh

S&P Global Market Intelligence cho biết, các mặt hàng giày dép dẫn đầu hàng nhập khẩu của Nike từ Việt Nam, chiếm 82% các lô hàng trong 12 tháng.

“Sức khỏe và sự an toàn của đội ngũ nhân công cũng như của các nhà cung cấp vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ ứng phó với đại dịch và những diễn biến khó lường của Covid-19. Trong các trường hợp, chúng tôi mong rằng các nhà cung cấp sẽ đề cao sức khỏe và sinh kế của nhân viên cũng như tiếp tục phối hợp với các yêu cầu từ lực lượng chức năng, trả lương, phúc lợi và hỗ trợ thôi việc theo đúng chính sách của Nike. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của Nike trong điều hướng động lực ngắn hạn và thận trọng trong kế hoạch”, người phát ngôn của Nike trả lời báo chí.

Được biết, cổ phiếu của Nike đã giảm 1,3% và tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu đã tăng trở lại khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nike có vốn hóa thị trường khoảng 250 tỷ đô la Mỹ.

Sự gián đoạn này không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Nike mà còn cả các nhà sản xuất khác ngay khi ngành bán lẻ bận rộn chuẩn bị cho mùa tựu trường. Các công ty đã sẵn sàng nhập và dự trữ hàng hóa cho suốt kỳ mùa thu sắp tới. Bên cạnh đó, những trở ngại khác bao gồm tình trạng thiếu container chở hàng, các cảng hàng hóa quá tải đã khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn trong những tháng gần đây.

Giám đốc điều hành của Brooks Running, Jim Weber chia sẻ với báo chí rằng, công ty của ông mất 80 ngày để vận chuyển hàng hóa vào tháng trước trong khi trước đây chỉ cần 40 ngày. Các thương hiệu thời trang như Levi Strauss và H&M đang đối mặt với những thách thức tương tự ở Bangladesh, nơi tập trung các trung tâm sản xuất hàng thời trang lớn của thế giới. Ngoài ra, chuỗi cửa hàng Nordstrom đang gặp phải sự cố gây ra tình trạng chậm trễ giữa đợt giảm giá lớn nhất hàng năm.

Trong suốt hội nghị với các nhà phân tích vào tháng trước, CFO của Nike là Matt Friend cho biết, công ty dự báo trạng thái ngưng trệ của chuỗi cung ứng và chi phí hậu cần cao hơn sẽ tiếp diễn trong phần lớn năm tài chính 2022. Trong nhiều trường hợp, nhu cầu của khách hàng vượt quá nguồn cung. Điều này có nghĩa là sẽ không còn nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, thậm chí là khan hiếm hoặc hết hàng khi mua sắm trực tuyến hay ngoại tuyến trong những tháng tới đây.

Diệu Hương (T/h)

Hàng nghìn sản phẩm tại Công ty may mặc Cường Thuận có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas(VietQ.vn) - Công ty may mặc Cường Thuận ở Hà Giang bị tạm giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang