Nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

author 06:13 03/06/2022

(VietQ.vn) - Trong những ngày gần đây, giá xăng liên tục tăng cao, hiện đã vượt mốc 31.000 đồng một lít. Bộ Công Thương cho biết, nếu giá xăng tiếp tục tăng cao, Bộ này sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá để điều hành bình ổn giá xăng dầu; báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.

Thị trường xăng dầu nhiều biến động

Trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao do sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới làm tăng tổng nhu cầu đối với mặt hàng xăng dầu. Giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện vẫn vượt ngưỡng 100 USD/thùng, giá ngày 23/5/2022 ở mức dầu WTI là 110,290 USD/thùng, dầu Brent là 113,420 USD/thùng và tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Ở trong nước, nguồn cung xăng dầu chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35 - 40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 02 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%), không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước

 

Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý II/2022, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3). Nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 2 triệu m3. 

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý I và từ đầu Quý II/2022 đến nay luôn được đảm bảo.

Hiện Bộ Công Thương đang yêu cầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để có cam kết rõ ràng về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý III và cả năm 2022 để có kịch bản điều hành và chỉ đạo nhập khẩu thay thế nguồn trong nước bị sụt giảm do sản xuất không ổn định nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (găm giữ hàng); Tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra và xử nghiêm các hành vi vi phạm trên cả nước đối với các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và kiên quyết xử lý nghiêm trong trường hợp sai phạm.

Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Được biết, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 đến 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Ngoài ra, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ BOG hạn chế và ở mức thấp, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường. Ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Thời gian tới nếu giá tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang