Nở rộ chiêu trò lừa đảo lập tài khoản ngân hàng, mã QR giả

author 05:51 18/06/2024

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều phương thức lừa đảo mới đó là lập tài khoản ngân hàng, mã QR giả, tên người nhận trùng với thông tin chính chủ của tài khoản đi lừa đảo...

Từ lâu, các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin liên tục về việc bị chiếm đoạt tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Lợi dụng thông tin chính chủ để đi lừa tiền những người thân quen, bạn bè của tài khoản đó. Chiêu trò đã cũ, số người mắc bẫy giảm dần... Thế nhưng gần đây lại xuất hiện phương thức mới để lừa đảo, đó là lập tài khoản ngân hàng, mã QR giả, tên người nhận trùng với thông tin chính chủ của tài khoản đi lừa đảo...

Mới đây, chị PL (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phát hiện bạn cùng phòng nhận được tin nhắn vay tiền từ chính tài khoản Facebook của chị, nhưng không phải do chị PL nhắn. Sau khi hiện tượng trên xảy ra, chị PL đã phát hiện ra tài khoản cá nhân Facebook của mình đã bị kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, kể xấu đã vô hiệu hóa tài khoản của chị và đăng xuất ngay sau đó.

Điều đáng nói ở đây, thông tin chuyển khoản mà đối tượng xấu gửi đến đều trùng hợp với tên chủ tài khoản và ngân hàng chính chủ. Vì lo sợ người khác bị lừa, chị L đã cố gắng đăng nhập và thử mọi cách để lấy lại tài khoản. Khoảng một tiếng sau, chị L lấy lại được tài khoản của mình và tiến hành kiểm tra lại các tin nhắn mà đối tượng lừa đảo nhắn tin mượn tiền đã phát hiện có nhiều người bạn của chị đã bị lừa chuyển vào tài khoản lừa đảo.

Ảnh minh họa

Trách nhiệm của ngân hàng đối với các hành vi lừa đảo trực tuyến

Mới đây, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) nhận được trình báo của một siêu thị mini trên địa bàn bị dán đè mã QR code. Phải đến khi khách mua hàng thông báo đã thanh toán, nhưng chủ cửa hàng vẫn chưa nhận được và kiểm tra mã QR dán trên kính mới phát hiện bị kẻ gian dán chồng đè mã QR code khác lên để nhận tiền chuyển vào.

Ngoài việc lừa đảo qua thủ đoạn dán chồng đè mã QR code, trước đó xuất hiện tội phạm dùng app chỉnh sửa ảnh chụp chuyển khoản tiền giao dịch thành công, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một trường hợp khác, Công an phường Nếnh, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Phương, ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của Phương là đến cửa hàng tạp hóa của anh ĐVT (phường Nếnh) giả vờ nhờ anh T là cần tiền mặt nên đưa cho mượn, sau đó Phương sẽ thực hiện chuyển khoản trả ngay tại chỗ.

Sau khi anh T đồng ý, Nguyễn Văn Phương đã dùng app chỉnh sửa ảnh chụp chuyển khoản tiền giao dịch thành công, rồi lừa anh T đưa tiền mặt cho mình nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhận được tiền xong, Phương nhanh chóng rời khỏi cửa hàng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, mã QR thanh toán hoàn toàn có thể bị kẻ gian lợi dụng làm giả một cách tinh vi để thực hiện mục đích xấu. Đây là một hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó kẻ gian sử dụng mã QR giả để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền của người dùng.

Thông thường khi quét mã QR thật, thiết bị sẽ yêu cầu mở ứng dụng ngân hàng, sau đó người dùng sẽ cần đăng nhập và thực hiện quét mã QR thanh toán hóa đơn. Toàn bộ quy trình đều được bảo mật vì người dùng không cần cung cấp thông tin qua nền tảng trung gian.

Tuy nhiên, nếu quét mã QR thanh toán giả mạo, người dùng sẽ bị chuyển hướng đến các website giả mạo ngân hàng. Tại đây, người dùng sẽ phải nhập thông tin như: Tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, mã OTP hoặc thậm chí là số CCCD/CMND... Sau khi hoàn tất nhập liệu, kẻ gian có thể sử dụng các thông tin này nhằm mục đích xấu để chiếm đoạt tài sản cá nhân. Trong trường hợp khác, mã QR giả sẽ dẫn tới các website chứa mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại nhằm thu thập thông tin cá nhân của người dùng.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang