Nước mắm chuẩn, an toàn: Chỉ dành cho giới nhà giàu?

authorDương Phương Ngọc 12:18 12/10/2016

(VietQ.vn) - TS Dung phủ định quan điểm cho rằng mắm Phú Quốc 40 độ đạm rất đắt, chỉ người có tiền mới ăn. Theo bà, người không có tiền cũng nên mua nước mắm đó.

Nước mắm công nghiệp sẽ “giết chết” nước mắm truyền thống?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, với tổng giá trị 7.200 - 7.500 tỷ đồng. Ngoài nước mắm truyền thống, hiện trên thị trường còn có nhiều sản phẩm làm từ nước mắm hoặc có thành phần từ nước mắm khác. Các loại “nước mắm” như vậy ngoài hai nguyên liệu chính là cá và muối, còn được bổ sung thêm nhiều thành phần khác nên thường có hàm lượng đạm thấp, khoảng 10 độ đạm, thậm chí có loại chỉ 4 độ đạm.

Tuy nhiên, những sản phẩm này thường có hình thức bắt mắt, giá thành lại thấp cộng với hoạt động truyền thông, tiếp thị rầm rộ nên dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Điều này khiến khẩu vị và thị hiếu của người tiêu dùng ít nhiều bị ảnh hưởng, gây ra sự nhầm lẫn và khó lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

‘Bắt sống’ hàng loạt cơ sở sản xuất tương ớt đầu độc người dân(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng Tp.HCM khi kiểm tra đã phát hiện gần 2 tấn sản phẩm thành phẩm tương ớt và tương đen sản xuất trong điều kiện “3 không”.

Đồng thời, cũng gây sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nước mắm sản xuất công nghiệp sẽ giết chết ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Trao đổi tại hội thảo “Nước mắm – Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” mới đây, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang đã cho biết: Cuộc “khẩu chiến” giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp đã gây nhiều hoang mang, nghi ngờ cho người tiêu dùng bởi “mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy giải thích theo chiều hướng có lợi cho mình và không có cơ quan quản lý nào đứng ra bảo vệ cho lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, bảo vệ các đơn vị sản xuất làm ăn chân chính; các cơ quan quản lý cũng chưa trả lời được đầy đủ các thắc mắc của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất thế nào là đúng, thế nào là sai, thậm chí đôi khi còn hiểu sai hoặc trả lời không đúng càng làm cho vấn đề càng thêm phức tạp”.

Theo ông Diệp,  mặc dù nhà nước đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn nước mắm, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, việc sử dụng tên gọi rất lộn xộn làm cho người tiêu dùng không phân biệt được nước mắm và nước chấm.

 Nhiều nước mắm đóng chai công bố chất lượng đánh lừa người dùng. Ảnh minh họa.

Thêm vào đó, về công bố chất lượng trên bao bì sản phẩm, ông Diệp cho hay: Mặc dù đã có quy định về tiêu chuẩn nước mắm, quy định về cách ghi nhãn hàng hóa, song hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm nước mắm, nước chấm đóng chai công bố chất lượng hoặc giá trị dinh dưỡng theo nhiều cách khác nhau, gây sự ngộ nhận và khó hiểu, đánh lừa đối với người tiêu dùng:

Ông Diệp đưa ra ví dụ: Cách truyền thống lâu nay bắt buộc phải công bố là đạm toàn phần gam Nitơ/lít, nhưng cũng có nhiều sản phẩm hiện nay chỉ công bố giá trị dinh dưỡng theo gram Protein, đặc biệt là công bố số gram Protein trên 100 ml chứ không phải cho 1 lít như trước đây như thông lệ.

“Việc không thống nhất cách ghi giữa đạm toàn phần ( gN/lít ) hay gram Protein càng làm cho thị trường nước mắm và nước chấm thêm lộn xộn, người tiêu dùng muốn tìm hiểu phải làm bài toán so sánh vô cùng phức tạp. Ví dụ phải quy đổi 1gN = 6,25 g Protein, ngoài ra còn phải chú ý đến dung tích là 1 lít hoặc 100 ml. Nguy hiểm hơn một số nhà sản xuất có dụng ý đánh lừa người tiêu dùng về độ đạm thực sự của sản phẩm khi đối chiếu với cách ghi như truyền thống lâu nay .

Đơn cử như: Ghi 25 gProtein/ L (ngầm hiểu 25 độ đạm) nhưng thực chất chỉ ~ 4 gN/l (4 độ đạm)” – ông Diệp phân tích.

Ngoài ra, cũng theo ông Diệp: Hiện nay các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nước mắm chịu sự quản lý của nhiều cơ quan ban ngành, nhưng không có cơ quan bảo vệ quyền lợi cho công ty, cho doanh nghiệp khi có những thông tin phản ánh không đúng sự thật, ảnh hưởng lòng tin của người tiêu dùng và uy tín quyền lợi của nhà sản xuất.

Nước mắm truyền thống: Ngon hơn vì an toàn!

Tại buổi hội thảo về nước mắm vừa qua, đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đã truyền đi thông điệp rằng “không phải cứ đạm cao thì mới ngon. Không phải cứ đạm cao là tốt. Không phải cứ muối mặn là sạch".

Tuy nhiên, phản hồi lại quan điểm này, bà Hồ Kim Liên, chủ doanh nghiệp Khải Hoàn nói: "Nước mắm truyền thống có độ đạm và độ mặn cao là do chỉ làm ra từ 2 nguyên liệu là muối và cá. Nguyên liệu đầu vào tốt, cá có độ đạm cao thì không thể nói đạm cao là chưa chắc ngon. Nguyên liệu tốt cho ra nước mắm độ đạm cao sẽ ra nước mắm ngon”.

Ông Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm CLB Nước chấm TP.HCM, cũng khẳng định nước mắm truyền thống phải ngon hơn một cách tuyệt đối bởi yếu tố an toàn đã là ngon rồi.

"Trước đây chúng ta chỉ có nước mắm chứ làm gì có khái niệm nước chấm. Chỉ khi ngành phụ gia phát triển rực rỡ những năm gần đây thì mới tạo ra những xung đột như vậy. Mà ai cũng hiểu sử dụng phụ gia trong bất cứ sản phẩm gì cũng là một con dao hai lưỡi", ông Dũng nói.

 Nhiều ý kiến cho rằng: Nước mắm truyền thống ngon hơn nước mắm pha chế vì tính an toàn.

Tờ Zing dẫn lời của tiến sĩ Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản phủ định quan điểm cho rằng: Nước mắm Phú Quốc 40 độ đạm rất đắt, chỉ người có tiền mới ăn. Theo bà, người không có tiền cũng nên mua nước mắm đó. Muốn tiết kiệm thì mỗi lần ăn có thể tự pha loãng ra với một ít nước, đường, bột ngọt.

"Ít ra sản phẩm đó vẫn tốt hơn sản phẩm trên thị trường có chất bảo quản. Còn người tiêu dùng nào chấp nhận chất bảo quản là quyền của họ", bà nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của nước mắm không phải là vấn đề lớn vì dù sao nước mắm cũng chỉ là một thứ gia vị nhưng vấn đề ở đây là: Người tiêu dùng cần có một sản phẩm được làm từ tự nhiên, nhưng cái hiện nay thị trường cho người ta ăn thì lại không tự nhiên.

Những doanh nghiệp sản xuất nước mắm pha chế luôn “lập lờ đánh lận con đen” để quảng bá sản phẩm của họ trên thị trường. Trong tất cả các quảng cáo của mình, họ luôn nói rằng: Mình dùng nước mắm cốt để pha chế nhưng sự thực có thể lại không hoàn toàn là như vậy!

Bởi các nước mắm pha chế công nghiệp dù bằng cách này hay cách khác đều phải dùng chất bảo quản vì nếu không dùng chất bảo quản thì nó sẽ bị hỏng ngay trong thời gian bán hàng.

Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia, người dùng nên biết rõ mình đang ăn loại nước mắm nào để có lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang