Cần thúc đẩy 'giao thông xanh' để ngăn chặn ô nhiễm môi trường không khí

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia WHO tại Việt Nam, hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đặc biệt ở các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng do đó cần có giải pháp cụ thể như thúc đẩy 'giao thông xanh' để hạn chế.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn phát triển AI và bán dẫn
Áp dụng KPI thay thế phương pháp quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả công việc
500.000 liều vắc xin sởi được hệ thống VNVC trao tặng Bộ Y tế
Theo chuyên gia, mùa ô nhiễm không khí đỉnh điểm tại Hà Nội và miền Bắc từ tháng 10 đến tháng 3, do thời gian này thường có sương mù, ít mưa, lặng gió làm các tác nhân gây ô nhiễm hội tụ. Đặc biệt trong những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố lớn khác vẫn ở mức cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng.
Cụ thể vào sáng 18/3/2025, thời tiết khô ráo cũng khiến cho chất lượng không khí ở miền Bắc trở nên kém hơn rất nhiều so với những ngày trước đó, đặc biệt, thủ đô Hà Nội hiện đang đứng đầu cả nước về mức độ ô nhiễm. Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h45 sáng với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 153, Hà Nội đứng thứ 8 trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chất lượng không khí ở mức màu đỏ, mức “không lành mạnh.” Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chất lượng không khí ở mức màu vàng, mức “trung bình,” đứng ở vị trí 23 trên bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, cuối năm 2024 và đầu năm 2025 Hệ thống quan trắc không khí IQAir đã cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí ở mức rất cao tại nhiều nơi trong đó có Hà Nội. Năm 2024, nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm của Hà Nội (45.4 µ g/m3) cao hơn 9 lần so với mức giới hạn nồng độ bụi mịn khuyến nghị của WHO. Hậu quả là năm 2024, Hà Nội được IQAir xếp hạng là thủ đô ô nhiễm thứ 7 trên thế giới. Những số liệu này vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại.
Các nguồn chính gây ô nhiễm không khí ngoài trời ở Hà Nội là khói bụi từ sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ ở các vùng quanh thành phố, bụi đường, giao thông đường bộ, và khói đốt từ khu dân cư hoặc thương mại, khói từ các làng nghề và cả việc đốt rác thải.

Tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng báo động cần thúc đẩy “giao thông xanh” để hạn chế. Ảnh minh họa
Tiến sỹ Angela Pratt thông tin thêm, ô nhiễm không khí trong nhà cũng là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong, mặc dù chúng ta chưa để ý nhiều tới tình trạng này. Hút thuốc lá và sử dụng nguồn năng lượng không sạch (như than và dầu hỏa) khi đun nấu và điều kiện thông gió kém là những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí trong nhà.
Nói tới giải pháp, tiến sỹ Angela Pratt cho rằng, việc Việt Nam thúc đẩy “giao thông xanh” và sử dụng xe điện có thể giúp giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí. Cụ thể, xe điện không phát khí thải ra ngoài ống xả, giúp giảm trực tiếp lượng chất ô nhiễm phát thải ra không khí. Hơn nữa, xe điện thường tiết kiệm năng lượng hơn xe chạy xăng, dẫn đến lượng khí thải tổng thể từ sản xuất năng lượng vận hành của xe thấp hơn.
Kế hoạch quốc gia của Việt Nam về quản lý chất lượng không khí bao gồm thúc đẩy các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và hệ thống giao thông công cộng, bao gồm xe điện. Kế hoạch này, cùng với các sáng kiến quan trọng khác của Chính phủ và các ngành, sẽ giúp các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, tiến gần hơn đến thắng lợi trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí cho người dân và du khách.
Ngoài ra để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm không khí một cách hiệu quả, căn cơ mang lại sức khỏe và các lợi ích khác cho mọi người thì cần có sự thay đổi ở cấp chính sách, cấp ngành và lĩnh vực. Để làm sạch không khí chúng ta hít thở thì Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch cho năng lượng và giao thông, chuyển sang các loại phương tiện mới hơn và thân thiện với môi trường hơn, đồng thời cần xử lý chất thải hiệu quả hơn như giảm đốt rơm rạ mùa màng và rác thải ngoài trời.
Vì nhiều nguồn ô nhiễm không khí ngoài trời cũng là nguồn phát thải carbon (như nguyên liệu hóa thạch) nên cần phải làm song song giảm ô nhiễm không khí và giảm nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu như một phần trong cách tiếp cận tổng thể hướng tới sự phát triển bền vững.
Dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để hành động trước sự biến đổi khí hậu, điều này sẽ mang lại lợi ích quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng không (zero) vào năm 2050. Tháng 12/2022, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế đã công bố Hợp tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với mục đích là mở ra nguồn tài chính hỗ trợ các nước đẩy nhanh sự chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Việt Nam cũng đã tham gia Liên minh Hành động về Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng hoan nghênh thông báo tháng 12/2024 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội rằng thành phố sẽ thiết lập các vùng phát thải thấp trong thành phố, và hạn chế những phương tiện gây ô nhiễm.
Liên quan tới tác hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
An Dương (T/h)