Ô tô Trung Quốc nguy cơ gây hỗn loạn thị trường?
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Ô tô Trung Quốc tràn ồ ạt vào thị trường với những sản phẩm giá rẻ sẽ dẫn đến các đối thủ cố gắng giảm giá để cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần.
Nguy cơ đe dọa mất an toàn thông tin từ nội bộ tổ chức, doanh nghiệp
Cảnh báo mối đe dọa an ninh mạng phải đối mặt trong năm 2025
Ninh Bình xử phạt cơ sở kinh doanh điện thoại có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu
Dư thừa và ế ẩm tại thị trường nội địa, hàng triệu ô tô Trung Quốc đã tràn ra thế giới. Những sản phẩm giá rẻ đang khiến thị trường ô tô nhiều quốc gia lo ngại.
Tại Thái Lan, ô tô điện Trung Quốc đang gây náo loạn thị trường. Lợi dụng chương trình ưu đãi của Chính phủ Thái Lan, cộng với được hỗ trợ từ quê nhà, các hãng xe điện Trung Quốc giảm giá vô tội vạ để giành thị phần khiến ngành công nghiệp ô tô nước này lao đao. Còn người tiêu dùng gặp khó khăn khi tìm chỗ sạc pin, bởi các hãng xe điện Trung Quốc chỉ tập trung vào bán xe mà không phát triển hạ tầng trạm sạc.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, cả nước nhập khẩu 160.729 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 3,31 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2023. Indonesia là quốc gia có số lượng ô tô nguyên chiếc xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất với 65.043 xe, xếp thứ 2 là Thái Lan với 60.145 xe, xếp thứ 3 là Trung Quốc với 28.379 xe.
Trong số này ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng vọt. So với cả năm 2023 chỉ nhập có 11.002 xe từ Trung Quốc thì 11 tháng năm 2024 đã tăng gấp hơn 2 lần về số lượng. Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô thương mại từ Trung Quốc, nhưng từ đầu 2024 đến nay ô tô con tràn vào nhiều, cùng sự gia nhập thị trường của hàng loạt hãng xe Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ngành xe điện Trung Quốc ghi nhận cột mốc ấn tượng khi sản xuất chiếc xe điện thứ 10 triệu trong năm 2024, vượt 4,3% so với năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng dư thừa công suất. Theo tính toán của China Business News, có khoảng 15 công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện đã phá sản hoặc bên bờ vực phá sản, với tổng công suất không sử dụng lên đến 10 triệu xe mỗi năm.
Ngoài ra, sự chuyển dịch từ xe xăng sang xe điện cũng khiến ngành công nghiệp ô tô truyền thống rơi vào trạng thái dư thừa lao động và cơ sở sản xuất. Dự báo nhu cầu về xe xăng sẽ tiếp tục suy giảm mạnh trong những năm tới, càng làm gia tăng áp lực đối với toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô tại Trung Quốc.
Ô tô Trung Quốc tại các cảng biển chờ lên tàu.
Bất chấp doanh số xe điện nội địa tăng 34% trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm hơn 50% tổng lượng tiêu thụ toàn ngành, bài toán "thừa cung, thiếu cầu" vẫn chưa có lời giải. Một báo cáo từ ấn phẩm đầu tư trực tuyến Gelonghui tại Trung Quốc còn chỉ ra rằng sản lượng pin xe điện của Trung Quốc dự kiến đạt 4.800 GWh vào năm 2025, gấp bốn lần nhu cầu thực tế, đẩy ngành này đối mặt với nguy cơ dư thừa trên diện rộng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam, một thị trường láng giềng với sức tiêu thụ xe hơi ngày càng tăng, được coi là điểm đến lý tưởng để "xả hàng". Theo Tổng cục Hải quan, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp đôi chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, đạt 24.613 xe. Nhiều thương hiệu như BYD, Wuling, Chery, và Lynk & Co đã đẩy mạnh hiện diện tại thị trường Việt Nam, thậm chí mở rộng hệ thống đại lý trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, phần lớn thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam đang gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ. Nhiều hãng không công bố doanh số bán hàng, nhưng số liệu không chính thức cho thấy phần lớn đại lý chỉ bán được từ 2-3 xe mỗi tháng. Một số nhà phân phối bày tỏ thất vọng khi đầu tư lớn vào hệ thống đại lý nhưng không thể bù đắp chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, xe Trung Quốc vẫn là cụm từ khá nhạy cảm tại Việt Nam khi rất nhiều người sẵn sàng đưa ra những nhận xét kiểu "xe Trung Quốc thì thế nọ, thì thế kia" trong khi họ chưa bao giờ sử dụng. Chúng ta dễ dàng mua rất nhiều thiết bị của Xiaomi và đánh giá cao kiểu dáng, chất lượng của chúng, nhưng lại không mặn mà với những chiếc ôtô tới từ đất nước này.
Tất nhiên, định kiến này là khá dễ giải thích khi trước đây các sản phẩm xe máy Trung Quốc vào Việt Nam rất nhanh xuống cấp, kể cả một số hãng ôtô thời đó. Nhưng công bằng mà nói, những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng kém là do "thương lái Việt Nam đặt hàng với nhu cầu về chất lượng, giá thành tối thiểu". Điểm rất giỏi của người Trung Quốc là họ có thể làm ra các sản phẩm có thiết kế tương tự nhau, ở rất nhiều mức giá. Vì vậy, chính người Việt Nam khiến người Việt mất niềm tin ở sản phẩm Trung Quốc, chứ không phải sản phẩm nào của họ cũng kém.
Thanh Hiền (t/h)