Ống hút nhựa, túi nhựa tiếp tục sẽ bị cấm ở Canada vì những tác hại lâu dài

author 13:41 28/12/2021

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Môi trường Canada vừa cấm sản xuất, buôn bán và nhập khẩu túi nhựa, hộp xốp, dao kéo nhựa, ống hút...vào năm 2022.

Cụ thể, Bộ trưởng Môi trường Canada vừa công bố dự thảo quy định kế hoạch Canada sẽ cấm sản xuất, buôn bán và nhập khẩu túi nhựa, hộp xốp, dao kéo nhựa, que khuấy, ống hút,...cuối năm 2022. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn có thể được sản xuất để xuất khẩu. Người dân Canada có thể góp ý bằng văn bản cho dự thảo này đến ngày 5/3/2022.

Quy định trên nêu rõ cách thức xác định từng sản phẩm. Ví dụ, túi nhựa là những túi được làm bằng màng nhựa sẽ bị vỡ hoặc rách nếu được sử dụng để chứa khối lượng 10 kg di chuyển trong một khoảng cách nhất định.

Có một số ngoại lệ đối với ống hút bằng nhựa dùng một lần để phù hợp với người khuyết tật và những người cần cho mục đích y tế. Bộ trưởng Guilbeault bày tỏ hy vọng các quy định sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2022.

Theo một báo cáo của Deloitte, vào năm 2016, có tới 3,3 triệu tấn rác thải nhựa được xả ra môi trường và chưa đến 10% trong số đó được tái chế. Canada đặt mục tiêu tái chế 90% rác thải nhựa vào năm 2030.

Canada đang đặt mục tiêu cấm ống hút nhựa, túi nhựa và các sản phẩm từ nhựa tái chế. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bà Sarah King, người đứng đầu chiến dịch nhựa và đại dương của tổ chức Greenpeace Canada, cho rằng chính phủ đang có bước đi quá chậm và không đủ mạnh mẽ. Theo bà, tất cả đồ nhựa dùng một lần nên bị cấm sử dụng, bao gồm cả chai nhựa, cốc cà phê,... Trong khi đó, tổ chức môi trường Environmental Defence của Canada đã hoan nghênh lệnh cấm, nhưng lo ngại về hoạt động xuất khẩu nhựa sẽ tiếp tục gây ô nhiễm cho các quốc gia khác.

Một đánh giá của chính phủ liên bang về ô nhiễm rác thải nhựa vào năm 2020 cho biết 77% trong số 4,8 triệu tấn nhựa polyme sản xuất ở Canada vào năm 2016 đã được xuất khẩu.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết rằng lệnh cấm đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ có hiệu lực sớm nhất là trong năm 2021. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại tiến trình này. Đến tháng 5/2021, nhiều công ty đã hợp lực dưới biểu ngữ 'Liên minh Sử dụng nhựa có trách nhiệm' và đã khởi kiện chính phủ về việc xác định nhựa là chất độc hại. Liên minh này lập luận rằng động thái trên của chính phủ gây tổn thất cho ngành công nghiệp vốn sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng không gây hại.

Liên quan tới ống hút nhựa, mới đây theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày có hơn 2.000 tấn rác nhựa được thải ra biển và đại dương tại Việt Nam. Dù chưa có con số thống kê cụ thể về từng loại rác nhưng có thể hình dung trong khối lượng rác thải nhựa khổng lồ này có không ít ống hút nhựa.

Hướng đến một Việt Nam ngày một "xanh" hơn, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Nestlé Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến phát động chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”. Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần vào chiến lược giảm rác thải nhựa dùng một lần của Việt Nam, thể hiện tiếng nói chung với mục tiêu ứng phó rác thải nhựa của Chính phủ.

Hưởng ứng thông điệp từ Liên Hợp Quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2019. Việt Nam cũng tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đến nay, nhận thức của người dân, xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống rác thải nhựa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo Alphanam Green Foundation – một quỹ hoạt động vì môi trường - ống hút nhựa được sản xuất từ những nguyên liệu rất phức tạp, không chỉ có nhựa phế thải mà đôi khi còn có cả nhựa y tế, nhựa nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Những loại nhựa này nếu không được xử lý kỹ dễ gây ra bệnh về khoang miệng cho người sử dụng, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong khi đó, ống hút nhựa hiện là loại rác thải nhựa phổ biến, xếp thứ 6 trong các loại rác khó phân huỷ, được tiêu thụ nhiều chỉ sau túi nylon. Loại rác thải này cần từ 200 - 500 năm để phân rã và hàng trăm, ngàn năm tiếp theo đó để phân hủy sinh học hoàn toàn.

Với Chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mỗi người hãy bắt đầu với hành động nhỏ là lựa chọn ống hút giấy thay vì ống hút nhựa và dần dần sẽ là thay thế hoàn toàn những thìa, đũa, hộp nhựa dùng một lần.

Trong các loại ống hút được làm từ nguyên vật liệu thân thiện hơn với môi trường, mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Ống hút inox, ống hút tre, ống hút thủy tinh… có thể tái sử dụng và thích hợp với cá nhân, sau khi dùng xong thì cần vệ sinh để sử dụng tiếp. Ống hút làm từ cỏ, bột gạo là những loại dùng được một lần và dễ phân hủy khi ra môi trường, hiện đang chủ yếu được sản xuất thủ công.

Ống hút giấy vẫn còn một vài nhược điểm nhất định (dễ mềm, người tiêu dùng chưa quen với cách sử dụng), tuy nhiên xét về tính chất của việc đóng gói, vận chuyển thì đây là lựa chọn phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Ống hút giấy cũng rất thân thiện với môi trường khi chỉ mất từ 6 đến 12 tuần để phân hủy.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã tạo ra được một phong trào cộng đồng rộng rãi, có sự tham gia đồng loạt của rất nhiều doanh nghiệp.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang