Ngành y phải kiểm soát được chất lượng thuốc, giá bán ở các nhà thuốc cần thống nhất
Thu hồi thuốc viên nén CALCERGY trị gout không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Bác sĩ cảnh báo: Không tự đoán bệnh, mua thuốc 'xách tay' vì nguy hiểm tính mạng
Nhai kẹo cao su thường xuyên có thể gây tác hại không nhỏ tới quai hàm, dạ dày
Về cơ sở thực tiễn, Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế. Luật Dược đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân cơ bản đã được đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý, ngành công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 3,5/5 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sau thời gian triển khai thi hành Luật, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển theo hướng công khai, minh bạch, thể hiện tính tiên tiến, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới trong việc quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trong hoạt động về dược, từ sản xuất, xuất, nhập khẩu, kiểm nghiệm, bán buôn, bán lẻ... bảo đảm chất lượng thuốc đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì được tốt.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý. Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới. Một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành. Một số quy định về kinh doanh, loại hình kinh doanh dược cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, cần làm rõ nguy cơ mất cân đối thị trường. Ảnh minh họa
Liên quan tới một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, một số đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bỏ xác nhận quảng cáo thuốc và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, quy định chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Về quản lý giá thuốc, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định kê khai giá bán buôn dự kiến vì quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở. Có ý kiến đề nghị làm rõ việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý Nhà nước; đề nghị quy định chặt chẽ các biện pháp quản lý giá và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
"Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Bộ Y tế rằng, do thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý", bà Thúy Anh nói.
Vì thế, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng.
Góp ý thêm về các vấn đề lớn trong dự thảo Luật Dược này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, cần làm rõ nguy cơ mất cân đối thị trường phân phối thuốc, ảnh hưởng quyền kinh doanh của các cơ sở kinh doanh nhỏ. Đặc biệt, theo ông Mẫn, cần thận trọng khi quy định kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Về phân phối thuốc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc mở rộng quyền phân phối cần thận trọng, từng bước, đảm bảo thống nhất với các văn bản luật có liên quan. Về quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc, ông Mẫn đề nghị rà soát thêm quy định về hậu kiểm chất lượng thuốc để đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.
"Hiện nay, vấn đề người dân quan tâm nhất là chất lượng thuốc. Tôi từng nói đừng để tiền mất tật mang khi nghe quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để người dân sử dụng thuốc an toàn, ngành y tế phải kiểm soát được chất lượng thuốc, giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất, không thể cùng một loại nhưng nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác", ông Mẫn nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi thực tế quảng cáo thuốc trên truyền hình rất nhiều nhưng không đảm bảo về chất lượng, đặc biệt nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng lại là thực phẩm chức năng. Vì thế, theo ông, cần có quy định chặt chẽ về việc này.
Nhắc đến quy định của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát nhóm lợi ích trong dự thảo luật này để điều chỉnh. Làm sao Luật Dược sửa đổi có tuổi thọ cao, giúp việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định rõ hơn, cụ thể hơn các chính sách ưu tiên về thủ tục hành chính liên quan cấp giấy đăng ký lưu hành với một số loại thuốc, nhập khẩu một số loại thuốc mới.
An Dương (T/h)