Phân biệt thực phẩm biến đổi gen bằng mắt thường dễ hay khó?

author 16:59 15/04/2018

(VietQ.vn) - Trên thực tế, cho dù thực phẩm biến đổi gen tươi sống như rau, củ quả nếu có được bán trên thị trường thì người tiêu dùng không thể phân biệt được bằng mắt thường.

Năm 2010, một cuộc khảo sát tại Việt Nam cho thấy 111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gen.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam Online (Viet Q.vn), rất nhiều người tiêu dùng, nhất là những người tuổi trung niên trở lên không hề biết khái niệm thực phẩm biến đổi gen – GMO là gì.

Bà Phạm Anh Thư (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày tôi vẫn đi chợ mua thực phẩm, từ cà chua, khoai tây đến ngô, bí ngòi... nhưng thực phẩm biến đổi gen thì lần đầu tôi nghe thấy. Tiêu chí chọn thực phẩm của tôi là tươi và mua ở những hàng quen để yên tâm phần nào về chất lượng”.

 Những quả cà chua rất đẹp mã này không biết có phải là cà chua biến đổi gen? Ảnh: Minh Khuê

 

Cũng giống như bà Thư, bà Đỗ Thị An (A13, tập thể Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) rất ngạc nhiên khi PV đề cập đến thực phẩm biến đổi gen.

“Từ trước đến nay tôi vẫn chỉ biết thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn thôi chứ không biết gì về thực phẩm biến đổi gen. Thực phẩm biến đổi gen khác với thực phẩm thông thường thế nào? Giá có đắt hơn không? Ăn có ngon hơn không?”, bà An thắc mắc.

Có điều đáng nói, bên cạnh những người chưa từng biết đến thực phẩm biến đổi gen như bà Thư, bà An thì cũng có một số người quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen và có hiểu biết nhất định về loại thực phẩm này. Tuy nhiên trên thực tế, không thể phân biệt được sản phẩm biến đổi gen – GMO với sản phẩm nông nghiệp sản xuất truyền thống bằng mắt thường, do đó, nếu người tiêu dùng có mong muốn sử dụng sản phẩm biến đổi gen hay sản phẩm canh tác truyền thống thì cũng chỉ mua theo kiểu ‘tù mù”, “ăn may”.

Chị Nguyễn Thanh Bình (phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, chị cũng tìm hiểu khá nhiều về sản phẩm GMO. Chị biết rằng hiện nay thực phẩm biến đổi gen đang được sử dụng ở nhiều nước và cũng chưa có căn cứ chứng minh loại thực phẩm này gây hại đối với sức khỏe con người. Chị có con nhỏ nên vẫn thường xuyên mua bí ngòi, khoai tây, cà chua, đậu Hà Lan để nấu cháo cho bé.

Chị Bình ưa chuộng sản phẩm canh tác truyền thống hơn, nhưng chị cho biết: "Thật sự tôi không thể phân biệt được bằng mắt thường sản phẩm nông nghiệp canh tác truyền thống với sản phẩm biến đổi gen GMO. Vì thế, hoặc là vào cửa hàng thực phẩm sạch cho yên tâm hơn, hoặc là chọn theo kinh nghiệm, tránh mua những những loại quá đẹp mã, màu mỡ...”.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, ngô ngọt (bắp màu vàng) là ngô biến đổi gen. Ảnh: Minh Khuê

 

 

Nói về phân biệt sản phẩm cây trồng biến đổi gen và cây trồng truyền thống, Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, trong buổi trao đổi về vấn đề Thực phẩm biến đổi gen với báo chí cũng cho biết, sản phẩm cây trồng biến đổi gen và sản phẩm không biến đổi gen thì cũng không phân biệt được bằng mắt thường. Ví dụ như giống ngô chuyển gen được tạo ra từ giống NK66 và chỉ bổ sung thêm một gen BT (gọi là NK66-BT). Bằng mắt thường không có sự khác biệt gì về hình dạng, màu sắc và các đặc tính khác giữa sản phẩm ngô giống NK66 truyền thống với giống NK66-BT. Về thực phẩm chế biến từ hạt ngô biến đổi gen này, cũng không phân biệt được bằng mắt thường.

Nhiều nước như Mỹ, Canada vẫn sử dụng bình thường các thực phẩm được chế biến từ sản phẩm biến đổi gen. Có thể ăn thông qua ăn thịt lợn ăn ngô biến đổi gen, hoặc ăn trực tiếp ngô biến đổi gen, không có vấn đề gì và không phải dán tem. Thận trọng hơn, Việt Nam hiện yêu cầu dán tem thực phẩm được chế biến từ ngô hay đậu tương biến đổi gen nếu chiếm 5% trở lên. Tuy nhiên thực tế hiện nay chúng ta ăn trực tiếp ngô này rất ít, làm thức ăn cho gia súc là chính.

Phân tích liệu thực phẩm biến đổi gen có mang đến rủi ro cho người sử dụng không, Giáo sư Lê Huy Hàm từng cho biết, thực phẩm biến đổi gen sử dụng gần 20 năm nay, trong văn y chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào mà nó gây ra. Nước ta có quy chế đặc thù rằng, chỉ sử dụng thực phẩm biến đổi gen khi 5 nước phát triển (Nhật, Mỹ, Austrailia, Hàn Quốc và EU) cho sử dụng. Nếu 5 nước này công nhận thì Việt Nam mới cho phép sử dụng.

Sau khi cho sử dụng, chúng ta vẫn yêu cầu nhà sản xuất thực phẩm biến đổi gen tiếp tục theo dõi, nhằm can thiệp thời khi có bất thường xảy ra tại Việt Nam và trên thế giới. Như vậy, nước ta hiện có hàng rào kép về an toàn sinh học của cây biến đổi gen.

Quy định dán nhãn thực phẩm biến đổi gen đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt, việc  ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa quy định ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen. Theo đó, nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gen bắt buộc phải thể hiện các nội dung như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo.

Nhận biết thông qua mã code là phương pháp dễ dàng nhất để xác định đâu là thực phẩm GMO, trong điều kiện bạn mua hàng từ những nhà phân phối, nhập khẩu có uy tín.

Mã code thường được dán theo quy định của nước ngoài và do các cơ sở kiểm định của Việt Nam trực tiếp thực hiện. Theo quy định, các nguyên liệu chế biến được bày bán trên thị trường hiện nay đều phải có mã code để phân biệt.
Muốn biết những loại thực phẩm như rau củ quả, trái cây có phải là giống biến đổi gen hay không thì cần chú ý đến con số trên mã code. Nếu trên tem có dãy số gồm 5 chữ số, bắt đầu bằng số 8 thì đây là loại thực phẩm biến đổi gen GMO. Với những trường hợp chữ số đầu tiên bắt đầu bằng số 9 thì đó là loại thực phẩm 100% hữu cơ an toàn cho cơ thể.

 

Minh Khuê



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang