Phân bón giả, hậu quả thật

author 12:00 12/11/2022

(VietQ.vn) - Việc sử dụng phân bón giả không những ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị ô nhiễm, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người dân.

Nhiều vụ việc bị phanh phui

Sản xuất, buôn bán phân bón giả mang đến món lợi quá lớn, bởi vậy các đối tượng sẵn sàng đánh đổi miễn sao thu được lợi nhuận. Hàng loạt vụ việc vi phạm được phanh phui, có nhiều vụ khởi tố, bắt tạm giam là những hình phạt thích đáng mà các đối tượng vi phạm phải đối mặt.

 Cơ quan điều tra khám xét một cơ sở vi phạm. Ảnh minh họa.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một chủ đại lý phân bón ở xã Chư Jôr, huyện Chư Păh só tiền 281 triệu đồng vì hành vi buôn bán hàng giả.

Cùng với việc phải nộp số tiền phạt 281 triệu đồng, chủ đại lý phân bón còn phải buộc thiêu hủy 2,7 tấn phân bón bổ sung trung lượng NPK Đầu Ngựa của Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Phú Thịnh (lô C6, đường số 5, KCN Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán 4,5 tháng.

Trước đó, kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Voi Con Đà Lạt tại địa chỉ số 52 Phạm Ngũ Lão, thị trấn Liên Nghĩa do ông Lê Văn Quang làm chủ cơ sở, lực lượng công an phát hiện ông Quang đang tiến hành sang chiết phân bón từ bao 25kg xuất xứ Trung Quốc vào bao 1kg xuất xứ Mỹ.

Bước đầu ông Quang khai nhận, mua phân bón của công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hải Bình sau đó đóng gói vào bao bì giả nhãn mác xuất xứ Mỹ rồi phân phối cho các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Cơ quan công an đã lập biên bản niêm phong, thu giữ 39 bao phân bón với tổng trọng lượng hơn 1 tấn, cùng các loại máy móc sang chiết, đóng gói tại kho hàng trên, đồng thời thu hồi gần 1 tấn phân bón đã đóng gói, phân phối cho các đại lý.

Hay vào cuối tháng 6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thanh Hóa (Thanh Hoá) đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự về "sản xuất hàng giả là phân bón" xảy ra tại Công ty cổ phần phân bón Sông Mã, địa chỉ lô C4, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa.

Theo điều tra ban đầu của Công an TP.Thanh Hóa, thời gian qua, Công ty cổ phần phân bón Sông Mã đã sản xuất sản phẩm phân bón Hoa Nông chuyên dùng cho bón thúc bị thiếu hàm lượng silic khoảng 40%, để bán ra thị trường với giá thành rẻ hơn, gây thiệt hại cho nông dân. Công an TP.Thanh Hóa đã thu giữ hơn 11 tấn phân bón nhãn hiệu Hoa Nông chuyên bón thúc không đảm bảo chất lượng để phục vụ công tác điều tra.

Những thiệt hại lâu dài

Phải nói rằng thời gian qua, rất nhiều vụ phân bón giả đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng càng siết chặt thì các đối tượng tiếp tục có những hành động đối phó tinh vi hơn hòng qua mặt. Người nông dân vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi nếu mua phải phân bón giả, không những ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị ô nhiễm, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường), hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết theo quy định, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. 

Cũng theo ông Tùng, nhiều loại phân bón giả được làm từ cao lanh, các loại đất vo viên sau đó sấy khô, làm màu sắc giống phân thật. Loại này chiếm phần lớn hơn trong các loại phân giả hiện nay. Ngoài phân bón giả, tình trạng phân bón kém chất lượng cũng rất đáng lo ngại.

Các loại phân này không đủ điều kiện để được công nhận nhưng vẫn được bán tại các cửa hàng do giá nhập thấp. Các loại phân này có hàm lượng NPK rất thấp và không cân đối. Khi bón vào cây sẽ làm cây bị rối loạn, không ra hoa ra trái, cây bị xót và chết do phân này tồn dư nhiều tạp chất có hại. 

“Tác hại lớn nhất là nông dân nhầm tưởng rằng đã bón phân rồi nên cây không đủ dinh dưỡng để ra hoa, kết quả có thể vàng lá do thiếu phân. Nếu là phân bón giả được sản xuất từ đất sét hoặc cao lanh, cây sẽ không có biểu hiện gì nhiều, cũng như ta chưa bón phân gì cả. Chủ yếu vẫn là thiệt hại về kinh tế khi bỏ tiền mua phân”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Còn theo TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nhiều bà con nông dân khi đi mua phân bón vẫn mua theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy. Vô tình thói quen này tạo điều kiện cho phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường. Vì thế bà con cần thay đổi từ chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

Vì vậy, tốt nhất, người dân nên tìm mua sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:phân bón giả

tin liên quan

video hot

Về đầu trang