Phạt 300 triệu đồng khi vi phạm tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa

author 07:18 31/07/2013

(VietQ.vn) - Mức phạt tiền tối đa khi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đó là quy định của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo quy định của Chính phủ, với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Sử dụng phương tiện đo không chuẩn sẽ bị xử lý mạnh tay. Ảnh minh họa
Sử dụng phương tiện đo không chuẩn sẽ bị xử lý mạnh tay. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân còn phải nhận các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có điều kiện các loại giấy chứng nhận có liên quan; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; thu hồi tiêu hủy sản phẩm vi phạm, nộp lại số lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng đối với các vi phạm trong sản xuất phương tiện đo; nhập khẩu phương tiện đo; sửa chữa phương tiện đo; buôn bán phương tiện đo cũng như vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2.

Đặc biệt, Nghị định quy định rõ đối với các hành vi sửa chữa phương tiện đo không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đã sửa chữa trước khi đưa vào sử dụng.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với việc sửa chữa phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Thay thế cấu trúc của phương tiện đo nhưng chưa làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo hoặc chưa sai lệch phương tiện đo;

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi cố tình tác động hoặc thay thế cấu trúc của phương tiện đo làm sai lệch phương tiện đo hoặc làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo.

Các phương tiện đo trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng trên thị trường đều phải kiểm tra, kiểm định ngặt nghèo. Ảnh minh họa
Các phương tiện đo trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng trên thị trường đều phải kiểm tra, kiểm định ngặt nghèo. Ảnh minh họa

Đối với các kiểm định viên và tổ chức kiểm định sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng nếu không tuân thủ trình tự, thủ tục kiểm định đã được công bố hoặc quy trình kiểm định do cơ quan có thẩm quyền về đo lường quy định…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2013, thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 5/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền khi hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa; Hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng không ghi nhãn hàng hóa; Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo; Hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa…

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang