Phát hiện loài ốc hiếm nhất thế giới trong lòng đại dương

author 17:17 26/08/2015

(VietQ.vn) - Các nhà sinh vật học đã vô tình tìm thấy cùng lúc hai con ốc anh vũ ngoài khơi Papua New Guinea. Loài ốc này được coi là một trong những loài động vật quý hiếm nhất thế giới.

Sự kiện: Khám phá đại dương

Báo Thanh Niên đưa tin, Nhà sinh vật học Peter Ward của Đại học Washington đã tìm thấy ốc anh vũ ngoài khơi Papua New Guinea. Ward và đồng nghiệp của mình là Bruce Saunders đã từng nhìn thấy loài Allonautilus vào năm 1984, và từ đó trở đi không thấy chúng nữa.

Ward và các đồng nghiệp đã may mắn bắt gặp cùng lúc hai loài ốc anh vũ khi đang tìm kiếm dưới đáy biển. “Chúng ở gần hòn đảo nhỏ bé này. Đây có lẽ là loài động vật hiếm nhất thế giới”, Ward cho biết. Hai loài ốc anh vũ được tìm thấy thuộc chi Allonautilus và Nautilus.

Allonautilus scrobiculatus là một loài ốc anh vũ thuộc chi Allonautilus, có họ hàng với mực. Chúng sống dưới đáy biển và có vỏ khác với những loài ốc anh vũ thuộc chi Nautilus. Vỏ của chúng có lông và chất nhầy giúp chúng thoát khỏi hàm răng của những kẻ săn mồi nơi biển cả.

Ốc anh vũ cực hiếm thuộc chi Allonautilus (dưới) và ốc anh vũ thuộc chi Nautilus (trên)

Ốc anh vũ cực hiếm thuộc chi Nautilus và ốc anh vũ thuộc chi Allonautilus. Ảnh NBC News

Ốc anh vũ ống dưới đáy biển sâu vài trăm mét vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và được coi là hóa thạch sống do tồn tại từ cùng thời với khủng long (khoảng 500 năm trước) mà không bị tuyệt chủng.

Thay vì bò chậm chạp dưới đáy biển như các loài ốc chính cống, ốc anh vũ “bay” một cách điệu nghệ trong nước biển bằng cách hút và phun nước theo cơ chế phản lực, giống như mực và bạch tuộc. Đây là loài ăn tạp, chủ động bắt mồi, ban ngày sống dưới đáy biển, ban đêm nổi lên mặt nước tìm thức ăn (tôm, cá con).

Tại Việt Nam, loài ốc này được phân bố tại khu vực Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu song do đây là loài sinh vật quý hiếm lại bị khai thác làm đồ mỹ nghệ nên ngày càng trở nên hiếm gặp. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên thế giới, loài ốc này đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn do bị đánh bắt quá mức. 

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang