Phát hiện thực phẩm chức năng APLGO có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép

author 14:40 27/11/2021

(VietQ.vn) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng phát hiện một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong thời gian gần đây, qua công tác rà soát, cơ quan này thu thập một số thông tin của một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO.

Cụ thể trên mạng internet, một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động.

Các đối tượng lôi kéo người tham gia mạng lưới bằng chính sách hoa hồng cao. Ảnh: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng

Qua xem xét các nội dung trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng hoạt động kêu gọi người tham gia và chính sách trả thưởng khi tham gia vào mạng lưới của các tổ chức cá nhân này có dấu hiệu là kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, cơ quan này hiện nay chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào mang tên là APLGO như trên.

Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu nêu trên.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh, tính đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định và danh sách này luôn được cập nhật tại địa chỉ trang web bhdc.vcca.gov.vn. Hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

Theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, TPCN xuất hiện và bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Khi đó, hầu hết sản phẩm lưu thông trên thị trường ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác. Đến nay, hơn 70% số TPCN được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước.

Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật... Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN và số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh TPCN và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.

Bảo An 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang