Xử phạt hộ kinh doanh Dương Dướng Dường bán nụ trầm hương, bột xông nhà không rõ nguồn gốc

author 14:28 12/12/2024

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt 6 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Qua thẩm tra, xác minh, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng QLTT số 11 (Cục QLTT Quảng Nam) phát hiện Hộ kinh doanh Dương Dướng Dường (163 Hùng Vương, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, Hộ kinh doanh Dương Dướng Dường do ông Mai Văn Dưỡng là đại diện theo pháp luật đang giao dịch mua bán sản phẩm bột xông nhà, nụ trầm hương. Các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn mác hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa.

Ngoài ra, tại địa điểm 254 Hùng Vương (đối diện 163 Hùng Vương, thị trấn Trà My), không có dấu hiệu trưng bày, kinh doanh, sản xuất.

Đội trưởng Đội QLTT số 11 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Dương Dướng Dương về hoạt động thương mại.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra QLTT số 11 phát hiện Hộ kinh doanh đang bày bán 50 gói bột xông nhà, giá niêm yết: 125.000 đồng/1 gói (tình trạng chưa qua sử dụng) và 10 hộp nụ trầm hương, giá niêm yết: 450.000 đồng/1 gói (tình trạng chưa qua sử dụng). Tất cả đều không có căn cứ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, hồ sơ, tài liệu kèm theo hàng hóa.

Vào thời điểm kiểm tra ông Mai Văn Dưỡng không cung cấp được hoá đơn chứng từ, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết 10.750.000 đồng. Đội trưởng Đội QLTT số 11 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Dương Dướng Dương về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức xử phạt 6 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh chất lượng cũng như là cơ sở để người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất của mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, bên cạnh những hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của người dân.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Từ quy định trên có thể thấy cá nhân khi có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm.

Thanh Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang