Phát hiện vi khuẩn kháng thuốc có trong nhiều thực phẩm ăn liền quen thuộc

author 16:18 12/09/2023

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra vi khuẩn kháng thuốc trong thực phẩm ăn liền. Kết quả vừa được công bố trên tạp chí Zoonoses.

Công trình trên được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm trọng điểm NHC về Đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm quốc gia ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, phát hiện này đã cho thấy một thách thức mới đối với sức khỏe con người.

Vi khuẩn nguy hiểm họ tìm thấy là các chủng tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) kháng thuốc, gây ra một loạt tình trạng nguy hiểm từ ngộ độc cho đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, bao gồm các bệnh cảnh đe dọa tính mạng như hội chứng sốc nhiễm độc.

Tụ cầu vàng gần đây ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của nhiều chủng độc lực cao, khả năng kháng kháng sinh cao, tức vô hiệu hóa các biện pháp điều trị mà bác sĩ có trong tay.

 Các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn kháng thuốc có trong thực phẩm ăn liền như kem, sốt thịt, các đồ ăn nhẹ...Ảnh minh họa

Thông thường, rửa tay và giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm là các biện pháp phổ biến được khuyến nghị để chống lại tụ cầu vàng và nhiều vi khuẩn khác. Tuy nhiên trong nghiên cứu mới, vi khuẩn này lại xuất hiện một cách đáng ngại ngay trong các loại thực phẩm ăn liền - vốn không thể xử lý trước khi ăn, ví dụ những gói snacks hay kem.

Theo News-Medical, nhóm nghiên cứu đã thu thập nhiều loại thực phẩm ăn liền từ các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, siêu thị, chợ, quầy tạp hóa... trên 25 tỉnh, thành của Trung Quốc và phân lập tụ cầu vàng từ tất cả các mẫu.

Kết quả vừa được công bố trên tạp chí Zoonoses cho thấy có 276 chủng tụ cầu vàng được nuôi cấy từ các loại thực phẩm ăn liền mà nhóm nghiên cứu thu thập, bao gồm các sản phẩm ngũ cốc, salad, sushi, sashimi, sốt thịt, snacks, kem, các loại đồ ăn nhẹ khác...

Đáng lo hơn, 90% các chủng được phân lập biểu hiện khả năng đề kháng với ít nhất 1 loại kháng sinh. Tỉ lệ kháng thuốc cao nhất được quan sát thấy đối với penicillin và erythromycin, lần lượt là 87% và 38,4%. Trong đó, 73 chủng kháng từ 3 loại kháng sinh trở lên, trong đó có 13 chủng kháng tới 5 loại kháng sinh khác nhau.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định riêng 30 chủng MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin) và 18 chủng có 9 gien độc lực. Hơn 50% chủng MRSA cũng có nhiều gien độc lực, tức những thứ có thể gây ra bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.

Theo các tác giả, phát hiện này cho thấy một thách thức mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cũng như cung cấp thêm dữ liệu để các cơ quan liên quan có các biện pháp an toàn trong vấn đề quản lý thực phẩm cũng như đối đầu với "đại dịch" kháng kháng sinh.

Nói tới tình trạng kháng thuốc, theo thông tin từ Bệnh viện Hồng Ngọc, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đã lan từ vùng này sang vùng khác, khiến nó trở thành một vấn đề toàn cầu. Không chỉ các quốc gia kém phát triển và vệ sinh nghèo nàn mới có hiện tượng kháng thuốc kháng sinh mà ngay cả các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức… cũng có sự kháng lại kháng thuốc kháng sinh.

Ngày càng có nhiều chủng loại vi khuẩn kháng thuốc. Ban đầu chỉ có một loại vi khuẩn kháng thuốc là vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Nhưng ngày nay đã có nhiều loài vi khuẩn có đặc tính này như trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn kỵ khí gram dương như Clostridium spp, vi khuẩn viêm màng não Neisseria meningitidis, phế cầu khuẩn…

Sự kháng lại thuốc kháng sinh của vi khuẩn về cơ bản là do gen. Tức là vi khuẩn “tự nhiên” có những gen kháng thuốc trong tế bào. Nhờ có gen kháng thuốc mà vi khuẩn có đủ năng lực chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh. Và nhờ đó mà chúng có thể tồn tại và tiếp tục gây bệnh. 

Kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và có thể gây tử vong. Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng buộc bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, thường có độc tính cao hơn dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài và gây ra tốn kém chi phí y tế.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang