Phát triển doanh nghiệp KH&CN: Cần những ưu đãi khác biệt hơn nữa

author 16:46 26/02/2019

(VietQ.vn) - Để tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp KH&CN, cần thêm những chính sách ưu đãi lớn hơn dành cho khối các doanh nghiệp này.

Từ ưu đãi lớn của Chính phủ…

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có hàng loạt chính sách ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp này.

Cụ thể, về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập của doanh nghiệp KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Doanh thu, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Doanh thu, thu nhập được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải là doanh thu, thu nhập từ dịch vụ mới.

Doanh nghiệp KH&CN không được ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế TNDN thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế TNDN và quản lý thuế. Doanh nghiệp KH&CN cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Sở KH&CN phối hợp với cơ quan tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất theo quy định khi xác định diện tích đất được miễn, giảm cho mục đích KH&CN.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ vừa được hưởng thêm nhiều ưu đãi từ Nghị định được Chính phủ ban hành. Ảnh minh họa

Về ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KH&CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh, Nghị định nêu rõ: Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định.

Doanh nghiệp KH&CN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.

Nghị định cũng quy định cụ thể về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN. Theo đó, doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.

Nhóm doanh nghiệp này cũng được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới… (trừ trường hợp phát sinh chi phí mua nguyên vật liệu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu).

Doanh nghiệp KH&CN còn được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KH&CN; được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của nhà nước; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.

…đến hành động thiết thực từ Bộ KH&CN

Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian qua, Bộ đã có những nỗ lực, tạo hành lang pháp lý để giúp cho doanh nghiệp KH&CN thuận lợi hơn trong việc thực hiện những thủ tục hành chính.

Ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện cả nước có 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (tăng 83 doanh nghiệp) so với năm 2017. Song song với đó là những bước đột phá trong việc cải cách những thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

“Thời gian tới, những nội dung liên quan đến thủ tục sẽ được cải cách rất nhiều. Thay vì thủ tục trước đây là xem xét rất kỹ về quy trình tạo ra nó thì nay xem xét sản phẩm là chính”, Cục trưởng Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quất, việc cải cách thủ tục là cần thiết bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp KH&CN còn e ngại việc bộc lộ quy trình công tác, các quy trình công nghệ có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vấn đề này sẽ được cải cách trong đó hướng tới mục tiêu đánh giá được sản phẩm, giúp cho doanh nghiệp vừa bảo toàn được bí mật công nghệ của mình nhưng hiệu quả sản phẩm được thị trường đánh giá tốt, ưu việt về mặt công nghệ sẽ được công nhận.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN. Ảnh: VietNamNet

Còn theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, trên cả nước hiện nay có 3000 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về doanh nghiệp KH&CN nhưng mới chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp đã đăng ký là doanh nghiệp KHCN. Trong khi đó, theo kì vọng của Chính phủ trong Chiến lược Phát triển KH&CN từ 2011-2020, cần có 5000 doanh nghiệp KH&CN.

Muốn thúc đẩy doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp KH&CN, ông Đích cho rằng chính sách ưu đãi cho họ phải thực sự khác biệt so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là ưu đãi về thuế.

Mặc dù Nghị định 13 đã có những ưu đãi về thuế (miễn thuế bốn năm đầu, giảm 50% thuế chín năm sau) cho doanh nghiệp KH&CN nhưng ông Đích cho rằng, chính sách về thuế cần phải khác biệt hơn nữa.

Bởi trên thực tế, những ưu đãi mới dành cho doanh nghiệp KH&CN (miễn thuế bốn năm đầu, giảm 50% thuế chín năm sau), gần tương tự hoặc thậm chí ít hơn chính sách dành cho doanh nghiệp bất kì nào có dự án đầu tư mới vào nghiên cứu phát triển, công nghệ cao; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu vùng xa khó khăn về kinh tế; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phần mềm…

Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp chỉ được lựa chọn một ưu đãi về thuế có lợi nhất cho mình và nếu trước đó đã được ưu đãi của các chương trình khác rồi thì khi nhận ưu đãi mới sẽ phải trừ đi số thời gian của chương trình cũ.

Bảo Bình

'Giải phóng' hàng hóa nhanh giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả(VietQ.vn) - Hệ thống VASSCM được triển khai ưu tiên trước cho những doanh nghiệp, đơn vị Hải quan có tần suất giao dịch cao, lưu lượng hàng hóa XNK lớn và mức độ sẵn sàng cao về hệ thống CNTT.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang