Phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mang lại kim ngạch xuất khẩu cao

author 19:37 28/09/2023

(VietQ.vn) - Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm. Tuy nhiên, đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do cây dược liệu tại Việt Nam đang phát triển tự phát, manh mún. Cần quy hoạch tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho dược liệu Việt Nam.

Sáng ngày 28/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu”. Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. 

 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan Thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023

Tiềm năng lớn 

Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Thống kê hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. 

Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc. 

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. 

Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia. 

Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm quế và cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới. 

Về thị trường, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển. 

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. 

 Quế của Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng.

Quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho dược liệu Việt Nam 

Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm. 

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Bộ Y tế cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. 

Tại Hội nghị, tham tán thương mại tại các thị trường tiêu thụ nhiều dược liệu, đặc biệt là quế, hồi như: Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đã thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam; đồng thời đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. 

Ông Bùi Trung Thướng- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ phân tích, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới. Do có Hiệp định thương mại với Ấn Độ nên dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ thuế suất 0%, là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam so với các nước khác. 

Tuy nhiên, mặc dù quế của Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ, chiếm tới 80% thị trường Ấn Độ, nhưng đáng buồn là không có một thương hiệu quế nào của Việt Nam hiện diện tại Ấn Độ, do các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà chưa có sản phẩm chế biến. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào khâu chế biến sâu, đồng thời xây dựng thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm. 

Ông Bùi Trung Thướng cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần phải giữ bí quyết công nghệ sản xuất, không để nước ngoài tự do tìm hiểu công nghệ sản xuất của mình. 

Ông Thướng dẫn ví dụ, trước đây Ấn Độ nhập khẩu tới 95% hương nhang từ Việt Nam, nhưng sau đó, chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam đến tận các làng nghề, doanh nghiệp, tìm hiểu, học được bí quyết sản xuất và họ đã phát triển sản xuất hương nhang tại Ấn Độ. Do đó, từ cuối năm 2019 đến nay, Ấn Độ đã không nhập khẩu hương nhang từ Việt Nam nữa. Đây là thực tế đáng buồn cho doanh nghiệp sản xuất hương nhang Việt Nam. 

“Ấn Độ là nước có dân số đông nhất thế giới, là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, có dải thị trường rất lớn, từ thấp cấp, bình dân, đến cao cấp và cực kỳ cao cấp. Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải mạnh dạn phát triển thị trường, nên trực tiếp sang khảo sát và mở rộng thị trường tại Ấn Độ. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường tại Ấn Độ”- ông Bùi Trung Thướng cam kết. 

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhấn mạnh, các địa phương cần quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu cho dược liệu Việt Nam. Thực tế, dược liệu Việt Nam, đặc biệt là quế, hồi, thảo quả… có chất lượng tốt, được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng do sản xuất manh mún, mỗi nơi có một ít, nên việc đầu tư cho chế biến sâu cũng như xuất khẩu với số lượng lớn theo đơn hàng của nước nhập khẩu rất khó khăn. 

Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang