Phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong tiêu chuẩn hóa quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế

author 17:30 05/01/2020

(VietQ.vn) - Sự đóng góp của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được khẳng định, theo đó để hoạt động tiêu chuẩn hóa thực hiện tốt vai trò của mình, nhân lực tham gia vào hoạt động này cần phải đặc biệt quan tâm.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tiêu chuẩn có mặt trong mọi mặt đời sống, trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn hỗ trợ công tác thử nghiệm, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành khác cũng đóng góp vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Phương thức xây dựng TCVN ở các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn cũng có nhiều khác biệt. Bộ KH&CN quản lý và vận hành hệ thống Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia, trong khi các bộ, ngành có thể thành lập ban soạn thảo/tổ soạn thảo để thực hiện việc xây dựng TCVN.

Để triển khai xây dựng các TCVN có chất lượng, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành cũng như các thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia chính là những đối tượng cần nắm chắc các quy định nghiệp vụ cũng như cần được trang bị các kỹ năng cần thiết trong tiêu chuẩn hóa. Muốn làm được điều này, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực về nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa cần được quan tâm thích đáng.

Đáp ứng yêu cầu này, trong khuôn khổ Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, từ năm 2015 đến nay mỗi năm đều có riêng một phần dự án cho nhiệm vụ này. Theo thống kê từ Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, đơn vị chủ trì nhiệm vụ, từ 2015 đến nay đã có 20 khóa đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế được tổ chức thực hiện. Hơn 1000 cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại bộ, ngành và thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia được đào tạo và cấp chứng chỉ. Trong kế hoạch 2020 sẽ tiếp tục có các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao cho các nhóm đối tượng này với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực tiêu chuẩn hóa phục vụ nhu cầu mới và ngày càng khắt khe hơn.

Bên cạnh việc tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia, đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa còn cần phải tham gia vào việc góp ý xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó phần lớn là tài liệu, tiêu chuẩn quốc tế thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên chính thức (thành viên P) của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, Việt Nam tham gia là thành viên P của 20 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, trong đó có 17 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế của ISO và 3 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế IEC. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia với tư cách thành viên quan sát (thành viên O) đối với 70 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Hàng năm, trăm tài liệu, tiêu chuẩn quốc tế đã được xử lý, góp ý kiến.

Một mặt hoạt động đào tạo sẽ trực tiếp bổ sung cho các cán bộ tiêu chuẩn hóa những kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ, phục vụ cho hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia ngày càng một hiệu quả hơn. Mặt khác, các khóa đào tạo là nơi các thành viên BKT và các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, được giải đáp các tình huống gặp phải và xử lý, khắc phục các khó khăn trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn.

Thực tế cho thấy, các khóa đào tạo được triển khai đã có tác dụng tích cực giúp các BKT hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trong cả việc xây dựng tiêu chuẩn và tham gia góp ý tiêu chuẩn quốc tế − một phần quan trọng của việc tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Tuy nhiên, với tổng số thành viên Ban kỹ thuật gần 1000 chuyên gia, chưa kể đến nhân sự tại các bộ, ngành, doanh nghiệp có triển khai hoạt động xây dựng TCVN, các khóa đào tạo còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo về số lượng, đồng thời chưa đảm bảo một mặt bằng chung về năng lực đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa cho tất cả các thành viên BKT, đặc biệt khi ngày càng có nhiều chuyên gia trẻ giỏi chuyên môn nhưng còn thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động xây dựng tiêu chuẩn tham gia các Ban kỹ thuật.

Với vai trò của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, Tổng cục TCĐLCL cần phải là cơ quan đầu mối trong phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa quốc gia thông qua việc tổ chức các hoạt động phổ biến, đào tạo, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cũng như các kỹ năng, kinh nghiệm, giúp các Bộ, ngành có đủ năng lực để hoạt động một cách hiệu quả không chỉ riêng trong những lĩnh vực tiêu chuẩn hóa đang đảm trách mà còn nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa chung của quốc gia, đồng thời giúp tăng cường nhận thức về vai trò và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng TCVN và Tiêu chuẩn quốc tế.

Việc cập nhật, bổ sung những kiến thức cơ bản, việc học tập thực tiễn hoạt động tiêu chuẩn hóa của các quốc gia có trình độ tiến bộ hơn Việt Nam cũng là một việc làm hết sức cần thiết và hữu ích, giúp các cán bộ tiêu chuẩn hóa trực tiếp thu lượm kiến thức, kinh nghiệm thực tế, từ đó đúc rút được bài học trong triển khai hoạt động ở cấp quốc gia, thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc tế và khu vực.

Tiêu chuẩn ISO 30414 - Yếu tố giúp xác định vốn nhân lực trở nên dễ dàng hơn(VietQ.vn) - Để giúp cho việc xác định vốn nhân lực trở nên dễ dàng hơn, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã cho ra đời Tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên về báo cáo vốn nhân lực.

Bùi Bích

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang