Philipines và Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo Việt Nam

author 14:35 18/09/2021

(VietQ.vn) - Philippines, Trung Quốc là 2 thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta trong 8 tháng qua, với sản lượng 2,276 triệu tấn, trị giá 1,174 tỷ USD.

Dựa trên thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021 xuất khẩu gạo tăng nhẹ 7,4% về lượng và tăng 1,3% kim ngạch so với tháng 7/2021, đạt 499.033 tấn, trị giá 243,31 triệu USD. Nhưng so với tháng 8/2020 thì giảm cả về lượng, kim ngạch với mức giảm tương ứng 17,4%, 19,9%.

Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu gạo giảm do nhiều tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách phòng chống dịch, khiến việc thu mua, chế biến và vận chuyển thóc, gạo gặp khó, nhưng tín hiệu mừng là nhóm các thị trường xuất khẩu gạo chủ lực vẫn tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, Philippines.

 Việt Nam đã xuất khẩu 4 triệu tấn gạo trong 8 tháng, trong đó xuất sang Philippines và Trung Quốc đạt gần 2,3 triệu tấn. Ảnh minh hoạ

Minh chứng cho thấy, trong tháng 8/2021, xuất khẩu sang Philippines tăng 55% cả về lượng và kim ngạch, đạt 274.599 tấn, tương đương 133,5 triệu USD; Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 45,6% về lượng và tăng 28,9% kim ngạch, đạt 91.010 tấn, tương đương 38,13 triệu USD; Xuất khẩu sang Malaysia tăng 94,6% về lượng và tăng 87% kim ngạch, đạt 30.295 tấn, tương đương 13,57 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà sụt giảm rất mạnh so với tháng 7/2021, giảm 99% cả về lượng và kim ngạch, đạt 750 tấn, tương đương 403.349 USD.

Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,99 triệu tấn, trị giá gần 2,13 tỷ USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 5,5% trị giá. Giá xuất khẩu trung bình đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Theo đó, sau 8 tháng đầu năm, Philippines đang tiếp tục dẫn đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38% trong tổng lượng và kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, với trên 1,54 triệu tấn, tương đương 798,26 triệu USD, giảm 10% về lượng, nhưng tăng nhẹ 0,1% về trị giá. Sở dĩ lượng giảm 10% nhưng trị giá không giảm nhiều là do giá gạo xuất khẩu trung bình sang thị trường này tăng  được 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2, tăng trưởng tốt 36,9% về lượng, tăng 18,7% về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu lại giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 733.862 tấn, tương đương 376,14 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình 512,6 USD/tấn.

Tiếp sau đó là thị trường Ghana đạt 406.808 tấn, tương đương 239,81 triệu USD, giá 589,5 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 13,2%, 27,8% và 12,9% so với cùng kỳ, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Ngành gạo đặt mục tiêu xuát khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD trong năm nay. 

Theo số liệu xuất khẩu gạo Việt Nam hồi đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2021 đạt 547,8 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 377 USD/tấn vào cuối tháng.

Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ liên tiếp tục giảm, riêng cuối tháng 4/2021 đã giảm từ 386 - 390 USD/tấn xuống còn 374 - 379 USD/tấn, chạm mức thấp nhất trong 5 tháng. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan đạt mức 494 USD/tấn vào đầu tháng 4/2021 và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng 4/2021.

Cho dù giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, nhưng các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu gạo của nước ta sẽ thuận lợi trong quý 2 và nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhận được nhiều thuận lợi kép. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao.

Nhu cầu dự trữ gạo tại các nước sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua lúa gạo của các thị trường lớn như Phillippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea... Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

Trung Quốc, nước có dân số đông và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, hiện đã và đang khống chế được dịch Covid-19, hoạt động giao thương đưa gạo sang Trung Quốc hiện vẫn sôi động.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam hiện đang lâm vào tình thế khó. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp phải khó khăn về xuất khẩu gạo do đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội, tác động lên logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng.

Diễn biến cho thấy, hoạt động thương mại gạo tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothammatas, sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý 1/2021 giảm 23% xuống còn 1,13 triệu tấn, với tổng giá trị đạt 21,8 tỷ Baht (khoảng 700 triệu USD), giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các yếu tố dẫn đến giá thành gạo của Thái Lan cao hơn các nước khác là do đồng Baht mạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và nguồn cung nội địa thấp hơn do hạn hán kéo dài trong hai năm liên tiếp. Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo trong năm 2021.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,4 triệu tấn gạo, tăng 233 ngàn tấn so với năm 2020. USDA cũng dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu được 6,1 triệu tấn gạo trong năm 2021 (tăng gần 400 ngàn tấn so với năm 2020) và lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay đạt 15,5 triệu tấn (tăng 940 ngàn tấn so với năm 2020). Với dự báo trên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo. Nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo tiếp tục là Ấn Độ, còn Thái Lan đứng thứ 3.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang