Pin năng lượng mặt trời hết hạn sẽ được thu hồi, tái chế

author 11:42 09/09/2021

(VietQ.vn) - Bộ TN&MT cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó sẽ đề xuất đưa sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế.

Đưa pin năng lượng mặt trời vào danh mục thu hồi, tái chế

Theo Bộ TN&MT, thời gian gần đây, có nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam. Thành phần chính của các tấm pin năng lượng mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Đồng thời, tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và môi trường khu vực triển khai dự án.

Theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về mặt môi trường như chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người... Việc sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời có sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si... có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên do các pin này, với công nghệ sản xuất hiện nay, có tuổi thọ ngắn.

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định thì có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy. Tuy nhiên, thực chất tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ dưới 50ha thì chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo quy định.

Việc các nhà đầu tư triển khai các dự án điện mặt trời, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và việc các nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải là hoạt động được khuyến khích, phù hợp với chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom chất thải để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng từ các nhà sản xuất, nhà phân phối theo quy định.

Về việc thu hồi, xử lý sản phẩm pin năng lượng mặt trời thải bỏ hiện nay, theo quy định hiện hành, các nhà sản xuất các sản phẩm thuộc danh mục quy định phải thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam sau đó tổ chức xử lý sản phẩm thải bỏ đã thu hồi theo quy định về quản lý chất thải theo các hình thức như trực tiếp xử lý; chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải trong nước có chức năng phù hợp; xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý; tái sử dụng hoặc các hình thức khác theo quy định.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Ảnh minh họa

Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó sẽ đề xuất đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giao Tổng cục Môi trường chủ trì xây dựng Thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất giải pháp quản lý, xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải”; cơ sở để xem xét ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời

Trước đó, khi nêu giải pháp nhằm đẩy mạnh các dự án điện mặt trời áp mái, ông Trần Viết Nguyên kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành,... từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đặc biệt, ông Nguyên đánh giá, sau cơ chế giá điện cố định theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ (giá FIT 2) đến năm 2021 cần có cơ chế chính sách mới.

“Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách gối đầu tiếp phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Để đạt được kỳ vọng đến năm 2035, Việt Nam đạt 30.000 MWp công suất điện mặt trời mái nhà thì câu chuyện chính sách hết sức quan trọng. Bộ Công Thương, Bộ KH&CN sớm nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn về điện mặt trời mái nhà, pin năng lượng mặt trời", ông Trần Viết Nguyên đề xuất.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà cho hay, hiện nay có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời kém chất lượng và bày tỏ lo ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.

“Tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời hiện đang chờ Bộ KH&CN chính thức ban hành. Chúng tôi được biết, trên thực tế, cũng đã có tiêu chuẩn về các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng việc kiểm tra rất khó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thể đánh giá được hết các sản phẩm mà phải có tiêu chuẩn cụ thể. Các nhà nhập khẩu cũng phải có tiêu chí rõ ràng để kiểm tra. Có những sản phẩm pin năng lượng mặt trời bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có những nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng biết đâu các mặt hàng đó lại quay về Việt Nam”, ông Tân nói.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà nhận định, nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng và 5-7 năm sau chưa biết xử lý các tấm pin hỏng nan giải như thế nào.

Để phát triển năng lượng mặt trời, đại diện Tập đoàn Sơn Hà lấy ví dụ, các nước trên thế giới phát triển điện mặt trời áp mái không phải vì kinh tế mà còn vì danh dự. Nên khuyến khích các doanh nghiệp có lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại công ty, công sở. Đối với người dân, cần tuyên truyền để họ biết được công năng và tiến tới lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

“Công dân các nước châu Âu hay các nước phát triển họ sử dụng pin năng lượng mặt trời và thấy tự hào. Ở Việt Nam cần phải tuyên truyền cho người dân sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời giống như tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa", ông Tân đề xuất.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang