Quản lý bệnh viện thông minh bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0

author 06:17 20/03/2018

(VietQ.vn) - Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ sở y tế đã gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian chờ khám của người dân.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có thể phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là ứng dụng trong các thiết bị y tế như công nghiệp dược, có nhiều máy móc hiện đại và hiện đang phát triển rất mạnh các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán, điều trị… Mảng thứ hai là ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành hoạt động y tế. Thị trường y tế hiện nay rất phong phú.

Thời gian vừa qua, ngành y tế cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong ứng dụng CNTT quản lý ngành. Phải nói rằng, với hai năm 2016 - 2017, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kết nối được 99,5 % cơ sở khám chữa bệnh với hệ thống giám định Bảo hiểm Y tế. “Trong khi đó Nhật Bản - Hàn Quốc mất khoảng 10 - 20 năm, Việt Nam chúng ta chỉ mất 2 năm để triển khai. Một mặt là do chúng ta làm sau, có kinh nghiệm, khắc phục được tất những tồn tại, hạn chế mà các nước triển khai trước đã gặp phải. Lý do thứ hai là hệ thống của chúng ta là hệ thống thống nhất tập quyền từ Trung ương đến địa phương. 95% hệ thống y tế của Việt Nam là công lập; trong khi tại Nhật, Hàn Quốc 90% hệ thống y tế là tư nhân”, ông Tường cho hay.

Người đứng đầu Cục CNTT, Bộ Y tế chia sẻ thêm: “Khi chúng tôi bắt đầu triển khai, nhiều chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản khuyên chúng tôi chưa nên triển khai bệnh án điện tử. Các bạn Nhật Bản nghiên cứu rất kỹ, rất thận trọng và đã khuyến cáo Việt Nam chưa thể thành công. Ngay đến tận giờ, các bạn Nhật Bản vẫn khuyên Việt Nam chưa nên triển khai bệnh án điện tử. Thế nhưng chúng ta vẫn làm được!”.

Quang cảnh Tọa đàm ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý bệnh viện.

Ông Trần Quý Tường cũng cho biết, ngành y tế đã tiếp cận CNTT từ rất sớm. Ngay từ những năm 2000, ngành y tế đã tiếp cận với CNTT và có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CNTT, như thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K. Đến nay, có thể nói ngành y tế là một ngành có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu chuyên môn về ứng dụng CNTT đi sớm và tương đối đầy đủ.

Đơn cử như, với Thông tư 54 ngày 29/12/2017 về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, Bộ Y tế đã đề cập đến 7 mức ứng dụng CNTT trong bệnh viện, trong đó mức 6 là bệnh viện thông minh, mức 7 là bệnh viên có thể sử dụng không giấy tờ nếu đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật. “Gần đây nhất Ban Kinh tế Trung ương vừa thành lập một Ban chỉ đạo xây dựng chính sách để tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khi đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54 về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, đưa ra dáng dấp của y tế thông minh. Rõ ràng, hành lang pháp lý của ngành y tế rất tốt”, ông Tường nói.

Mới đây, ngành y tế tiếp tục thực hiện Đề án tin học hóa y tế cơ sở và đang có đề án hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe cá nhân thông qua ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã đạt được những thành tựu khác như về dịch vụ công, hiện Bộ Y tế có nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến, trong đó có 5-7 dịch vụ công đạt mức độ 4, hoàn toàn qua mạng; hầu hết các bệnh viện đều đã ứng dụng CNTT; 99,5% các xã/phường/thị trấn có ít nhất 1 máy tính; trong 11.600 xã/phường/thị trấn thì chỉ có 66 xã chưa có đường truyền Internet…

Nhiều bệnh viện hướng tới mô hình bệnh viện thông minh nhờ ứng dụng công nghệ thông tin

Tại buổi tọa đàm, các vị diễn giả đều cho rằng không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế và không ít các bệnh viện đã đầu tư từ rất lâu nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt cho các bệnh viện mạnh dạn đi trước. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp CNTT không nắm vững được cơ chế đặc thù của ngành y tế.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết các bệnh viện và địa phương hiện khó tìm được một mô hình chuẩn và bài bản để có thể áp dụng vào thực tiễn. Theo chia sẻ ông Diện, Quảng Ninh đã tham khảo các mô hình bệnh viện tiên tiến nhờ ứng dụng hệ thống thiết bị CNTT thế giới. Tuy vậy cũng không thể “bê hẳn mô hình về” bởi khi trao đổi với CNTT trong nước thì cái khó nhất là phải Việt hóa vì có nhiều quy định khác nhau.

Đại diện FPT cho hay, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh, hiện nay ngành y tế Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp công nghệ có khả năng vận hành nhiều bệnh viện; cho phép tùy biến quy trình tác nghiệp; triển khai linh hoạt nhiều giai đoạn phù hợp với khả năng đầu tư của từng bệnh viện; phù hợp với mô hình cho thuê dịch vụ CNTT; quản lý bệnh viện thông minh với nhiều tính năng được ứng dụng công nghệ 4.0…

Do đó, FPT đã đưa ra FPT.eHospital phiên bản mới với điểm nổi bật là ứng dụng những công nghệ 4.0 mới nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), thiết bị di động (Mobility), kết nối vạn vật (IoT)… Các giải pháp này giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý toàn bộ hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử… hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ; tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh – gọn – chính xác, giảm thời gian,khối lượng công việc thủ tục hành chính; nâng cao công suất, hiệu suất bệnh viện; quản lý chặt chẽ tài chính, chống thất thoát, tăng thu, giảm chi...

Các giải pháp này của FPT được triển khai theo mô hình cho thuê dịch vụ, giúp các bệnh viện không cần bỏ chi phí lớn về hệ thống.

Minh Hải

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang