Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen

author 15:30 19/07/2017

(VietQ.vn) - Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen có ý nghĩa lớn đối với việc bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của Việt Nam.

Ngày 17/3/2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen (sau đây gọi là ABS) tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về việc gia nhập Nghị định thư Nagoya về ABS. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối họp với các bên liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về ABS.

Tới ngày 12/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen va chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (sau đây gọi là Nghị định số 59/2017/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Nhằm giới thiệu, phổ biến các nội dung và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 59/2017/NĐ-CP, Tổng cục Môi trường tổ chức “Hội thảo phổ biến Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (NĐ số 59/2017/NĐ-CP)”.

Toàn cảnh Hội thảo phổ biến Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của Nghị định 59 của Chính phủ đối với việc quản lý, bảo vệ, chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen.

“Việt Nam là một quốc gia được đánh giá có tính đa dạng sinh học rất cao và chúng ta đang sở hữu rất nhiều nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn gen đang suy thoái một cách nghiêm trọng do con người sử dụng quá mức, thiếu các giải pháp khuyến khích trong bảo tồn, bảo vệ, chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta gặp phải tình trạng nguồn gen bị đánh cắp và mang ra nước ngoài. Chính vì thế, việc ban hành nghị định số 59 về quản lý, tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen là vô cùng quan trọng để Việt Nam nhanh chóng đưa hoạt động tiếp cận nguồn gen vào khuôn khổ pháp lý. Từ đó, bảo vệ được lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của các chủ nguồn gen tại Việt Nam. Theo pháp luật đó là các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được giao quản lý nguồn gen”, ông Phạm Anh Cường cho hay.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Bộ ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại điện các doanh nghiệp… đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan tới hướng dẫn quy trình và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen, vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, chia sẻ nguồn gen cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đối với việc hướng dẫn thực thi Nghị định 59/2017/NĐ-CP về quản lý, tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen phải đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các bên có liên quan và góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên sinh học, thúc đẩy các quá trình nghiên cứu khoa học và thương mại hóa nguồn gen, chú trọng đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.

Về các loại hình lợi ích, Nghị định 59 quy định rõ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen bao gồm lợi ích bằng tiền hoặc lợi ích không bằng tiền.

Lợi ích bằng tiền gồm: Tiền thu thập mẫu vật di truyền; tiền bản quyền; tiền nhượng quyền thương mại; các khoản tiền thanh toán một lần hoặc theo đợt theo thỏa thuận; các lợi ích bằng tiền khác phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn gen.

Lợi ích không bằng tiền gồm: Chia sẻ kết quả nghiên cứu; quyền được tham gia hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất các sản phẩm thương mại; quyền được tiếp cận với thông tin khoa học, kỹ thuật liên quan; chuyển giao công nghệ cho Bên cung cấp nguồn gen; đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn gen; quyền sở hữu trí tuệ chung tương ứng với tỷ lệ đóng góp đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen; các lợi ích không bằng tiền khác.

Phong Lâm

Gà 9 cựa ở Phú Thọ được bảo tồn nguồn Gen "Gà 9 cựa" tưởng chừng như không có thật nhưng bằng thực tế và chứng minh khoa học, giống gà này hiện nay vẫn được lưu giữ tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn, thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang