Quảng Bình: Thu giữ hơn 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu

author 06:22 04/09/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình vừa kiểm tra, phát hiện 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu.

Vừa qua, Đội QLTT số 7 đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Hà Thanh có địa chỉ tại số 44 đường Võ Thị Sáu, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình do ông Mai Tuấn Vũ, sinh năm 1988 làm đại diện, phát hiện thu giữ 1.000 bộ kit test nhanh Covid-19.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm kinh doanh có 1.000 bộ (test) sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 trong mẫu tỵ hầu SGTi-flex COVID-19 Ag do Hàn Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ (hợp pháp) chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 

Lực lượng chứng năng tiến hành kiểm tra số sản phẩm nghi có dấu hiệu giả mạo. Ảnh DMS

Tại đây, đại diện Công ty chưa xuất trình được số đăng ký lưu hành của sản phẩm. Đội QLTT số 7 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Được biết, cùng trong ngày 31/8 tại Hà Nội, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Hà Nội phối hợp Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số thuốc điều trị Covid-19. Số thuốc điều trị Covid -19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp, trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài.

Chủ cơ sở khai nhận, bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần để kiếm lời.

Hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường nội địa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan chức năng.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan tới kinh doanh, vận chuyển sản phẩm hàng hóa là thuốc và thiết bị y tế sử dụng trong điều trị và phòng ngừa bệnh dịch COVID-19 được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, tuy nhiên, bệnh cạnh đó vẫn có nhiều đối tượng thực hiện trót lọt các phi vụ tuồn hàng lậu ra thị trường để kiếm lời.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp: Có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt...; sau khi nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với SARS-CoV-2.

Người tiêu dùng để tránh tiền mất tật mang khi mua các sản phẩm thuốc hoặc thiết bị bảo hộ y tế cần chú ý tìm mua tại các đại lý chính hãng, uy tín để đảm bảo chất lượng và hiệu quả khi sử dụng.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang