Quảng Bình tiêu hủy gần 3.400 sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn

author 17:22 26/01/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức giám sát tiêu hủy 3.382 sản phẩm thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn sử dụng.

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình vừa thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính gồm 3.382 sản phẩm thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất gồm: 550 gói thịt chay, trứng cút; 1.800 gói cánh gà đã qua chế biến, đóng gói; 720 cái kẹo mút dẻo vị trái cây hình chong chóng; 240 gói kẹo sữa vị khoai môn; 72 kg kẹo dẻo ô mai vị quýt. Toàn bộ số thực phẩm nói trên là hàng hóa nhập lậu, không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, không bảo đảm an toàn sử dụng.

Quá trình tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Trạch, đại diện Công an xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, các phòng Chuyên môn - nghiệp vụ thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, đại diện Đội QLTT số 3 và được thực hiện đảm bảo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Được biết, trước đó, Đội QLTT số 3 đã tiến hành khám phương tiện vận tải là xe ô tô tải mang biển kiểm soát 75C-082.75 do ông Hồ Kim Phụng có địa chỉ tại tổ dân phố An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế điều khiển. 

Quá trình khám phương tiện lực lượng chức năng đã phát hiện ông Hồ Kim Phụng đã cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm). Ngay sau khi xác minh, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Kim Phụng về hành vi vi phạm hành chính nói trên với số tiền phạt là 16 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ 3.382 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không bảo đảm an toàn sử dụng.

Quảng Bình tiêu hủy lượng lớn thực phẩm nhập lậu. Ảnh: Cục QLTT Quảng Bình

Nhắc tới tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm như giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm…các tiêu chuẩn cùng với quy định và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để đảm bảo thực phẩm an toàn tại tất cả các điểm dọc theo chuỗi cung ứng, cả trong nước và quốc tế.

Trên các sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng có thể nhận thấy các tiêu chuẩn được in trên bao bì như HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) hay ISO 22000 (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).

Theo thống kê đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP. Điều này giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát tốt các mối nguy về an toàn thực phẩm, từ đó mang lại lợi ích đối với cả người tiêu dùng cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý.

Tháng 4/2023, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 về vệ sinh thực phẩm đã được ban hành. Đây là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

Tiêu chuẩn quốc gia vừa được công bố bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục, khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này còn yêu cầu nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên tại cơ sở sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quy định kiểm soát mối nguy về chất gây dị ứng…..

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang