Quảng Trị: Mượn danh cựu chiến binh, bán kỷ niệm chương giả

author 14:58 07/09/2015

Chỉ cần từng tham gia quân ngũ và bỏ ra số tiền từ 70 - 300 nghìn đồng, là có thể sở hữu kỷ niệm chương như 3 chiến dịch và mặt trận B5 - Đường 9. Chuyện như đùa nhưng là sự thật, đã xảy ra nhan nhản tại tỉnh Quảng Trị, khiến nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của các cựu chiến binh ở đây, đang treo đầy rẫy kỷ niệm chương… giả.

Bà Dương Thị Hà bỏ ra số tiền 400.000 đồng để mua 4 cái kỷ niệm chương. Nhưng những kỷ niệm chương này là hàng giả.

1 tuổi đã tham gia chiến dịch

Ở ngay vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà gỗ của bà Dương Thị Hà (SN 1934, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) - lão thành cách mạng có 65 năm tuổi Đảng - treo 4 tấm kỷ niệm chương, trong đó bà Hà 2 tấm, chồng bà 2 tấm.

Hỏi bà kỷ niệm chương ai cấp, bà kể rằng cả xóm đều có. Lúc đầu, bà Hà thấy ông Khai - chủ tịch cựu chiến binh gần nhà có kỷ niệm chương mặt trận B5, thấy lạ vì ông này còn trẻ tuổi, có kỷ niệm chương B5 thì vô lý quá. “Dân tui đây sống chết ở mặt trận B5 nhưng không có kỷ niệm chương, nhìn quanh thì bà con có hết, nên cũng nghĩ lạ” - bà Hà, kể. Không lâu sau, có người đến rủ rê bà Hà làm kỷ niệm chương B5, bà đồng ý vì nghĩ mình có tham gia, không làm thì thiệt. “Rứa là mệ bỏ ra 400 ngàn đồng, làm 4 cái kỷ niệm chương cho hai vợ chồng. Hai cái kỷ niệm chương 3 chiến dịch, 2 cái kỷ niệm chương mặt trận B5- Đường 9”.

Tiếp đến có một ông đến xóm bà Hà vận động làm kỷ niệm chương. Đặc biệt, có người ở trong Nam ra, không biết mặt trận B5 ở đâu, cũng thuộc diện “làm được”. Thấy vậy, bà Hà và con trai bà càng thắc mắc. “Mệ làm vì trước mệ có tham gia, nên làm để có kỷ niệm. Nếu sau này có chế độ gì, thì cho con cháu hưởng. Chứ ai nghĩ lừa lọc gì đâu” - bà Hà, nói. Cũng ở huyện Vĩnh Linh, chị Đ.T.M cởi mở, cách đây mấy tháng, chị được vận động làm kỷ niệm chương B5- Đường 9 cho chồng là H.Đ.P (SN 1965). “Ông Cương điện thoại tới, hỏi chồng tui có đi bộ đội không, tui nói có thì họ vận động làm. Thấy làng xóm làm đông, tui cũng đồng ý nộp 280 ngàn đồng để làm”.

Thấy những người đứng ra vận động làm kỷ niệm chương có cựu chiến binh trong xã, tin lời nên rất nhiều người làm theo. Sau đó, chị M được gọi đến, thì thấy ở kỷ niệm chương mặt trận B5-Đường 9 của chồng mình có nội dung: “Tham gia chiến đấu ở mặt trận B5-Đường 9 Quảng Trị từ 1966”. Chị M thắc mắc rằng: “Chồng tui sinh năm 1965, vậy mới 1 tuổi đã tham gia chiến dịch này à?”. Thế rồi, chị trả lại kỷ niệm chương, và nhận lại tiền đã nộp trước đó.

Người bán kỷ niệm chương giả chưa bị xử lý

Ông Trần Minh Hiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Vĩnh Linh cho biết, ngày 3.3.2015, đã nhận được đơn thư mạo danh tố cáo ông Lê Viết Thuận (trú tại khóm 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) - nguyên là trung tá, Phó huyện đội trưởng huyện Vĩnh Linh về địa phương bán kỷ niệm chương không rõ nguồn gốc. “Ông Thuận đã bán kỷ niệm chương mặt trận B5 - Đường 9 và 3 chiến dịch, nhưng chúng tôi không quản lý những hội này, nên đã báo cáo với Hội CCB tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu, xử lý” - ông Hiến cho hay.

Từ phản ánh của cơ sở, Hội CCB tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra. Ông Lê Phước Thọ - Chánh văn phòng Hội CCB tỉnh Quảng Trị khẳng định việc ông Thuận bán kỷ niệm chương là có thật, tuy nhiên chưa tìm hiểu cụ thể đã bán bao nhiêu. Trung ương Hội CCB Việt Nam xác định, việc bán kỷ niệm chương mặt trận B5 - Đường 9 là tư lợi cá nhân, không có chủ trương. Bằng chứng là danh hiệu Hội CCB Việt Nam in trên giấy chứng nhận B5- Đường 9 là không thật.

Theo đó, ông Lê Viết Thuận đã móc nối với một số người, thành lập ban rồi đến các địa bàn tại tỉnh Quảng Trị tập hợp danh sách, vận động mua kỷ niệm chương. Nhiều cựu chiến binh và người dân đã đồng ý bỏ tiền ra mua các loại kỷ niệm chương với lời mời gọi “sau này sẽ làm được chế độ”. Nhưng thực tế, đã mua phải kỷ niệm chương giả, không có giá trị.

Ông Thọ thông tin thêm, tổ chức Ban liên lạc CCB 3 chiến dịch là tổ chức tự phát. Thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam không có chủ trương về tổ chức và hoạt động của ban liên lạc này. Vì vậy, quán triệt chủ trương của thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam, các cấp, hội trong toàn tỉnh không để hội viên tham gia ban liên lạc Hội CCB 3 chiến dịch. Việc làm của ông Thuận làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống và uy tín của Hội CCB. Tuy nhiên, Hội CCB tỉnh Quảng Trị chỉ mới gửi công văn đến các địa phương, chỉ đạo cảnh giác và ngăn chặn nhắc nhở ông Thuận dừng việc bán các loại kỷ niệm chương này. Trả lời về việc có hình thức xử lý gì khi hàng trăm người bị lừa mua kỷ niệm chương giả, ông Thọ nói: “Nếu có hội viên kiện ông Thuận, chúng tôi mới đứng ra xử lý”.

Theo Lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang