QCVN 19:2024/BTNMT về khí thải công nghiệp

author 06:55 25/01/2025

(VietQ.vn) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2024/BTNMT khí thải công nghiệp quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí.

Khí thải công nghiệp bao gồm các loại khí và bụi độc hại như CO2, CO, SOx, NOx... được thải ra từ các khu công nghiệp, nhà máy chế biến và dịch vụ công nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Có nhiều nguyên nhân gây ra khí thải công nghiệp. Các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện đốt than, phát thải lượng khí như SO2, NOx, CO2 và bụi độc hại hàng năm. Ngành khai thác than cũng phát thải khí và bụi bẩn như CO, CO2, SO2, bụi TSP và PM10.

Sản xuất gang, thép cũng tạo ra khí thải lớn như CO, CO2, các nguyên tố hợp kim và axit. Các lò đốt rác công nghiệp tạo ra khí thải, bụi bẩn và các chất độc hại như CO, CO2, NOx, SOx từ việc xử lý rác. Các nhà máy sơn phát thải các chất độc hại như COV, HAP và bụi chứa kim loại nặng như coban, thuỷ ngân, cadmium… Tất cả những tác động này đều do việc xả thải công nghiệp mà không được xử lý khí thải một cách hiệu quả.

Khí thải công nghiệp không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Hít phải khí thải độc hại trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và ung thư phổi. Sự nhiễm độc từ khí thải có thể lan truyền trong cơ thể, gây rối loạn thần kinh và suy nhược cơ thể.

Nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản tăng cao khi tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn. Bụi cũng được xem là tác hại của khí thải công nghiệp, có thể gây đau nhức mắt, giảm thị lực nếu nó vào mắt. Sinh sống trong môi trường ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, sức đề kháng và thậm chí là tuổi thọ.

Do đó việc bảo vệ môi trường sạch sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống là ưu tiên hàng đầu. Chủ trương "Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" đã được Đảng và Nhà nước chú trọng. Chỉ thị số 13/CT-TTg cũng khẳng định việc bảo vệ môi trường là một trong bốn yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Việt Nam tại COP26 cam kết "Phát thải ròng bằng 0 - Netzero vào năm 2050" trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó các doanh nghiệp cần chú trọng đến xử lý khí thải công nghiệp theo quy chuẩn quy định, đặc biệt là trang bị hệ thống xử lý để làm sạch và giảm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất. Điều này sẽ giúp loại bỏ khí độc hại, mang lại môi trường sạch sẽ và an toàn.

Khí thải công nghiệp không được xử lý tốt theo quy chuẩn sẽ gây ra ảnh hưởng lớn cho sức khỏe và môi trường. Ảnh minh họa

Tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2024/BTNMT Khí thải công nghiệp do do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí.

Quy chuẩn này không áp dụng đối với hoạt động xả khí thải của phương tiện giao thông vận tải. Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả khí thải công nghiệp ra môi trường không khí.

Theo đó giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm ở “thể khí” trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí, giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm ở “thể hạt” trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí phải đảm bảo theo quy định của quy chuẩn này.

Quy định về quản lý quy chuẩn này cũng nêu rõ, thông số ô nhiễm và giá trị giới hạn cho phép của thông số ô nhiễm của thiết bị xả khí thải công nghiệp của dự án đầu tư, cơ sở xả khí thải công nghiệp phải được nêu trong Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, văn bản đăng ký môi trường.

Thông số ô nhiễm phải kiểm soát của thiết bị xả khí thải công nghiệp của dự án đầu tư, cơ sở xả khí thải công nghiệp phải được quy định trong Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường bao gồm: Thông số ô nhiễm đã được quy định cụ thể theo loại hình thiết bị xả khí thải công nghiệp thuộc quy chuẩn này.

Trong trường hợp dự án đầu tư, cơ sở có công nghệ, thiết bị phát sinh thông số ô nhiễm đặc trưng mới. Dự án đầu tư, cơ sở có công nghệ, thiết bị có phát sinh thông số ô nhiễm đặc trưng mới chưa được quy định tại quy chuẩn này thì áp dụng giá trị giới hạn cho phép của thông số ô nhiễm đặc trưng đó theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường của một trong các quốc gia thuộc Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7).

Việc xả khí thải công nghiệp ra môi trường không khí được đánh giá là tuân thủ và phù hợp với quy chuẩn này khi kết quả quan trắc, phân tích của thông số ô nhiễm không vượt quá giá trị giới hạn cho phép quy định tại quy chuẩn này (hoặc không vượt quá giá trị giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường của một trong các quốc gia thuộc Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) trong trường hợp có phát sinh thông số ô nhiễm đặc trưng mới quy định tại quy chuẩn này.

Phương thức đánh giá sự tuân thủ và phù hợp với quy chuẩn này được thực hiện thông qua quan trắc, phân tích mẫu khí thải trước khi xả thải ra môi trường không khí. Việc quan trắc, phân tích thông số ô nhiễm quy định tại quy chuẩn này để cung cấp thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước phải được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch QCVN 19:2024/BTNMT vụ quan trắc môi trường theo quy định pháp luật.

Việc quan trắc, phân tích thông số ô nhiễm đặc trưng mới quy định tại quy chuẩn này được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Việc sử dụng kết quả quan trắc khí thải tự động, liên tục được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Kết quả đánh giá sự tuân thủ và phù hợp so với quy chuẩn này là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật) được thực hiện theo quy định. Trường hợp một thông số ô nhiễm cho phép sử dụng nhiều phương pháp đo đạc, lấy mẫu, thử nghiệm (phân tích) khác nhau và cần phương pháp trọng tài để xử lý khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện thì sử dụng phương pháp xếp đầu tiên tại quy chuẩn này.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang