Quy chuẩn yêu cầu về acid folic sử dụng bổ sung vào thực phẩm

author 09:26 24/10/2022

(VietQ.vn) - Thực tế, acid folic có sẵn trong nhiều thực phẩm tự nhiên, tuy nhiên ở một số đối tượng nhu cầu cao hơn, họ cần bổ sung dinh dưỡng này từ nguồn thuốc và thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã ban hành QCVN yêu cầu về acid folic được sử dụng để bổ sung vào thực phẩm.

Acid folic là tên khác của Vitamin B9 - một loại vitamin quan trọng với con người. Chúng có vai trò tham gia quá trình tổng hợp AND và các acid amin, là thành phần cấu tạo tế bào hồng cầu và nucleoprotein. Vitamin B9 đã được xếp vào nhóm 13 Vitamin cần thiết mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày.

Với phụ nữ mang thai, acid folic được nhắc đến nhiều hơn với nhu cầu bổ sung cao hơn do dinh dưỡng này giúp tạo tế bào máu và hỗ trợ cho sự phát triển ống thần kinh. Nếu phụ nữ mang thai thiếu Axit Folic, thai nhi có thể bị khiếm khuyết ống tủy sống, nguy cơ dị tật nứt đốt sống. 

Bên cạnh đó, phụ nữ có nhu cầu bổ sung acid folic cao hơn nam giới do mất máu trong các chu kỳ kinh nguyệt. Để sản xuất tế bào máu tốt hơn, ngoài acid folic cần chú ý bổ sung cả sắt và các dinh dưỡng thiết yếu khác. Nếu thiếu máu do thiếu acid folic, phụ nữ sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, giảm hoạt động thể lực thường xuyên,…

Acid folic bổ sung trong thực phẩm chức năng giúp cơ thể bổ sung acid folic. Tác dụng của chúng thường được nhắc đến giúp cơ thể sản sinh tế bào máu, ngăn ngừa đột biến DNA tiền ung thư, giúp điều trị chứng thiếu máu và thiếu acid folic. Trong điều trị một số bệnh lý thiếu máu ác tính, acid folic cũng được sử dụng kết hợp với thuốc điều trị khác.

acid folic được bổ sung trong thực phẩm, người tiêu dùng cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về liều dùng, cách sử dụng thích hợp. Nếu sử dụng sai cách, không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ nguy hại đến sức khỏe.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 3-2:2010/BYT về acid folic được sử dụng để bổ sung vào thực phẩm. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu kỹ thuật và quản lý về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với acid folic được sử dụng để bổ sung vào thực phẩm.  

Trong quy chuẩn, Bộ Y tế nêu rõ: Acid folic có dạng bột tinh thể màu vàng hoặc vàng cam. Không mùi hoặc gần như không mùi. Rất ít tan trong nước, thực tế không tan trong ethanol (TS) (~750g/l), trong aceton (R) và ether (R). 

Phổ hấp thụ ngoại tử của dung dịch mẫu thử nồng độ 15 g/ml trong dung môi là dung dịch natri hydroxyd 0,1 mol/l (VS) có 3 cực đại hấp thụ tại 256 nm; 283 nm; 365 nm, độ hấp thụ quang tương ứng là 0,82; 0,80; 0,28 (tốt nhất là sử dụng cuvet đo 2 cm, tính độ hấp thụ lớp chất lỏng dày 1 cm). Tỷ lệ cường độ hấp thụ tại các bước sóng 256 nm và 365 nm A256/A365: trong khoảng 2,80 - 3,00.

Cơ quan ban hành yêu cầu về độ tinh khiết: Tro sulfat không được quá 2,0 mg/g. Nước không được thấp hơn 70,0 mg/g và không quá 90,0 mg/g. Hàm lượng acid folic không được thấp hơn 96,0% và không được quá 102,0% tính theo chế phẩm khan. Thành phẩm phải giữ trong bao bì kín, tránh ánh sáng. Acid folic được sử dụng để bổ sung vào thực phẩm phải được công bố phù hợp các quy định tại Quy chuẩn này.

Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang