Quy định mới về hạ tầng thương mại sẽ làm tăng giá cả hàng hoá?

author 09:50 18/07/2022

(VietQ.vn) - Theo VCCI, những quy định bất hợp lý trong dự thảo về cửa hàng tiện lợi, hạ tầng thương mại sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định "cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong 500m"

Phản hồi Bộ Công Thương về đề nghị góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại; đồng thời, trên cơ sở tham vấn ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung dự thảo đang cho thấy nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi vì, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp thấy những nội dung này là cần thiết để phục vụ khách hàng tốt hơn và có thêm doanh thu, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện mà không cần có quy định của nhà nước. 

Cụ thể, dự thảo thông tư yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người, diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Thời gian hoạt động được tối đa 24 tiếng/ngày.

Dự thảo cũng quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.

Trong công văn gửi Bộ Công Thương để góp ý cho dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m” là không khả thi đối với doanh nghiệp, bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.

Cũng theo VCCI, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách.

Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Nếu nhà nước lo ngại việc các cửa hàng không có chỗ đỗ xe khiến phương tiện để ra lòng đường gây cản trở giao thông thì chỉ cần xử phạt nghiêm túc hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định là đủ. Hơn nữa, hiện nay, một số đô thị đang có kế hoạch hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân mà chuyển sang giao thông công cộng. Việc yêu cầu có chỗ đỗ xe vô hình chung đi ngược lại chủ trương trên.

Dự thảo còn yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng. Các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần nhà nước can thiệp.

Dự thảo yêu cầu các siêu thị hạng I và hạng II phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân. Quy định này cũng không cần thiết. Hiện nay, các siêu thị thường có nơi gửi đồ để ngăn không cho khách hàng mang túi vào siêu thị, dễ nảy sinh trộm cắp. Tuy nhiên, không ít siêu thị hiện nay cho phép khách hàng mang túi vào và chống trộm cắp bằng hệ thống camera và ý thức tự giác. Thậm chí có siêu thị chấp nhận một tỷ lệ mất hàng nhất định đổi lại sự nhanh chóng cho khách hàng không phải gửi đồ. Do đó, yêu cầu này là không cần thiết.

VCCI còn thấy có một số quy định không minh bạch trong dự thảo, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan Nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức, như yêu cầu cần có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá: không rõ cơ sở nào để xác định tính thuận lợi của vị trí của siêu thị, cửa hàng?

Quy định "công trình kiến trúc vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính vững chắc của công trình, tính tiên tiến, hiện đại của thiết kế và trang thiết bị? Hay phải "có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp với quy mô kinh doanh" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính phù hợp của nơi trông giữ xe và khu vệ sinh so với quy mô kinh doanh. Doanh nghiệp cho rằng phù hợp nhưng cơ quan nhà nước cho rằng không phù hợp thì sẽ xử lý thế nào?

Ngoài ra, "cần có thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh tiên tiến, hiện đại" thì không rõ cơ sở nào để xác định tính tiên tiến, hiện đại của thiết bị kỹ thuật? Doanh nghiệp cho rằng trang thiết bị của mình tiên tiến hiện đại nhưng cơ quan nhà nước không đồng ý thì làm thế nào?

Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu sắp xếp, "tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học" thì không rõ cơ sở nào là để xác định. "Hình thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng" cũng không có cơ sở để xác định. "Cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng" không có cơ sở để xác định như thế nào là phong phú, đa dạng.

"Áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán" không có cơ sở để xác định công nghệ như thế nào là hiện đại. "Nguồn hàng được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với nhà sản xuất kinh doanh" cũng không có cơ sở để xác định như thế nào là ổn định, thường xuyên. Trước những vấn đề ấy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ những quy định trên...

Bộ Công Thương nói gì?

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ Công Thương cũng có ý kiến giải đáp các vấn đề dư luận quan tâm về dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ nhận được ý kiến của cử tri, các Sở Công Thương đề nghị ban hành văn bản thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại.

Trên cơ sở tổng hợp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, ý kiến của các Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng báo cáo đánh giá và hướng xử lý đối với Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 (Quyết định số 3806/QĐ-BCT ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022).

Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Công Thương, mục đích, quan điểm Bộ Công Thương đặt ra khi xây dựng dự thảo thông tư là nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật khác. “Nội dung quy định tại Thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh”, Bộ Công Thương khẳng định.

Dự thảo Thông tư cũng được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Vì vậy, cần đảm bảo dự thảo Thông tư cập nhật được các quy định mới. Đồng thời, giải quyết các bất cập của Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển các loại hình hạ tầng thương mại. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành các quy định của pháp luật đối với công tác phát triển, quản lý các loại hình hạ tầng thương mại.

Nhìn chung, nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các quy định hiện vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và chỉnh sửa, hoàn thiện quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành; bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet (trên cơ sở báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và ý kiến của các Sở Công Thương).

Giải đáp quy định về biển hiệu

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư này. Trong đó có những nội dung liên quan đến quy định về biển hiệu quảng cáo; đối tượng phục vụ của các loại hình hạ tầng thương mại...

Bộ Công Thương lý giải, đối với quy định về Biển hiệu của các loại hình hạ tầng thương mại (Khoản 3, Điều 7, Dự thảo Thông tư) được dự thảo trên cơ sở quy định của Điều 40, Luật Doanh nghiệp và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp).

Cụ thể, Điều 40, Luật Doanh nghiệp quy định về "Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Theo đó, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Bên cạnh đó, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành”.

Điều 20, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định về “Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh”.

Cụ thể, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt.

Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Đồng thời, phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại. Đối với tiêu chí cửa hàng tiện lợi (Điều 5), tiêu chí trung tâm outlet (Điều 6) được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

"Riêng Quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo Thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu của một số chuyên gia".

Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời để làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của địa phương", Bộ Công Thương khẳng định.

Ngoài ra, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng Thông tư theo quy định tại Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cụ thể: Văn phòng Chính phủ, một số bộ/ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; một số hiệp hội có liên quan trong đó có Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đồng thời đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để các tổ chức/cá nhân đóng góp ý kiến.

Tới nay, Bộ Công Thương đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư, trong đó có 05 bộ/ngành, 05 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố. Bộ Công Thương đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo. Sau khi hoàn thiện Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư. Các tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp góp ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi ý kiến thông qua các Hiệp hội, tổ chức mà tổ chức, cá nhân là thành viên.

Bộ Công Thương khẳng định luôn hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư. Với mục tiêu đã nêu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang