Xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hiệu hàng hóa

author 06:09 16/07/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 400 kg mực ống không có nhãn hiệu, không có thông tin về nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh Anh Trường tại phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm kinh doanh doanh, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 400 kg thực phẩm đông lạnh là mực ống không có nhãn hiệu, không có thông tin về nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, trị giá tang vật 14 triệu đồng.

Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng hóa đang kinh doanh theo quy định.

Vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định.

 Xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không có nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh tư liệu

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025 nhằm kiểm soát thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Kế hoạch đề ra nhiều nội dung, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại, vi sinh vật trong nông sản, thủy sản thực phẩm; thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP...

Ngoài ra, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện. Định kỳ hằng quý thông tin kết quả xử lý vi phạm hành chính về ATTP của các đơn vị có thẩm quyền (Công an Tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, UBND huyện, thành phố…) gửi về Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh (qua Sở Y tế) để tổng hợp, phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của các cơ sơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Theo quy định của Nghị định 124/2015/NĐ - CP bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định về hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, hành vi buôn bán thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” với hình thức phạt Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng tuỳ vào giá trị hàng hoá vi phạm.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang