Bị 'ép' chuyển mồ cụ tổ để lấy đất xây chùa, dân được bồi thường thế nào?

authorLan Ninh 14:00 24/12/2016

(VietQ.vn) - Gia đình có mộ cụ thủy tổ, khi chính quyền vận động di chuyển mồ mả để lấy đất làm chùa, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định di dời?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Độc giả Hoàng Minh Tuân (Vũ Thư, Thái Bình): Ở thôn tôi có một ngôi chùa cổ từ nhiều đời nay, phía trước ngôi chùa có một khu vực để mồ mả được hình thành từ những năm 1960 - 1970 do Hợp tác xã nông nghiệp dồn từ những vị trí rải rác trên đồng ruộng.

Nay có một người đang đầu tư tiền xây mới chùa này và mở rộng quy mô, trong đó có lấn vào khu vực để mồ mả nói trên. Nhà chùa cùng chính quyền địa phương (gồm trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn) đã vận động những gia đình có mộ chuyển đi nơi khác để lấy đất làm chùa. Họ Hoàng nhà tôi có 1 ngôi mộ cụ thủy tổ ở đó, nhưng trong họ, nhiều người không muốn chuyển mộ cụ.

Tôi xin hỏi: Ngôi mộ nói trên có bắt buộc phải di dời hay không?

- Nếu phải di dời thì cơ quan nào ra quyết định, và mức đền bù hỗ trợ là bao nhiêu tiền 1 mộ di chuyển?

Quy định pháp luật về di chuyển mồ mả

Quy định pháp luật về di chuyển mồ mả. Ảnh minh họa 

Luật sư trả lời:

Cơ sở pháp lý:

- Luật đất đai 2013;

- Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Quyết định 08/2014/QĐ-UBND về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình

1. Ngôi mộ nói trên có bắt buộc phải di dời hay không?

Điều 18 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về Bồi thường về di chuyển mồ mả: “Đối với việc di chuyển mồ mả không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này thì người có mồ mả phải di chuyển được bố trí đất và được bồi thường chi phí đào, bốc, di chuyển, xây dựng mới và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương”.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nghĩa trang, nghĩa địa của tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 2 Điều 81 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

“a) Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích đất mà phần còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa thì chủ dự án được Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng nếu dự án đã có chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; được bồi thường bằng tiền nếu dự án đang trong thời gian xây dựng kết cấu hạ tầng và chưa có chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng đó;

b) Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất mà phần còn lại đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng làm nghĩa trang, nghĩa địa thì chủ dự án được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất thu hồi. Nếu trên diện tích đất thu hồi đã có mồ mả thì bố trí di dời mồ mả đó vào khu vực đất còn lại của dự án; trường hợp khu vực đất còn lại của dự án đã chuyển nhượng hết thì chủ dự án được Nhà nước bồi thường bằng giao đất mới tại nơi khác để làm nghĩa trang, nghĩa địa phục vụ việc di dời mồ mả tại khu vực có đất thu hồi.

Việc giao đất tại nơi khác để làm nghĩa trang, nghĩa địa quy định tại Điểm này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan, nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Trường hợp của bạn không thuộc Khoản 1 Điều 8 nêu trên nên gia đình bạn phải di chuyển ngôi mộ cụ thủy tổ, và việc di chuyển sẽ được bố trí đất, phí di dời,…để di chuyển ngôi mộ.

2. Thẩm quyền thu hồi đất?

Điều 66 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền thu hồi đất:

“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất”.

Đối với trường hợp cụ thể của gia đình thì tùy từng trường hợp mà UBND tỉnh Thái Bình hoặc UBND huyện Vũ Thư sẽ có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất.

Sổ tiết kiệm chia như thế nào khi ly hôn?(VietQ.vn) - Tôi và chồng thỏa thuận, tiền lương của chồng gửi vào sổ tiết kiệm, tiền lương của tôi chi tiêu. Khi ly hôn, tôi có được chia tiền tiết kiệm đó không?

3. Mức bồi thường

Điều 18 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về Bồi thường về di chuyển mồ mả:”Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với tập quán và thực tế tại địa phương”.

Quyết định 08/2014/QĐ-UBND về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình quy định về Bồi thường khi di chuyển mồ mả tại Điều 13, theo đó, UBND tỉnh Thái Bình bồi thường đối hai loại là mộ đất và mộ xây như sau:

“1. Bồi thường đối với mộ đất

Mức bồi thường được tính cho tất cả các công đoạn, thủ tục để di chuyển vào nghĩa trang mới, cụ thể như sau:

- Mộ đại quan có chủ chưa cải tiểu thời gian £ 3 năm: 10.000.000 đồng/ngôi;

- Mộ đại quan có chủ chưa cải tiểu thời gian > 3 năm: 7.000.000 đồng/ngôi;

- Mộ đại quan không có chủ: 2.700.000 đồng/ngôi;

- Mộ đất có chủ đã cải tiểu:

+ Mộ đơn lẻ một ngôi một tiểu: 1.750.000 đồng/ngôi;

+ Mộ một ngôi nhiều tiểu: 1.750.000đ + 900.000đ/một tiểu tăng thêm;

- Mộ đất vô chủ đã cải tiểu: 525.000 đồng/ngôi

- Mộ đã cải tiểu trong quá trình di chuyển tiểu bị vỡ được mua tiểu mới với giá trị 240.000 đồng/một tiểu.

2. Bồi thường đối với mộ xây

Ngoài phần kinh phí di chuyển như mộ đất được quy định tại khoản 1 Điều này còn đo đạc kiểm đếm thực tế, tính bồi thường phần xây dựng, ốp lát theo đơn giá xây dựng mới.

3. Đối với dự án khi thu hồi đất phải di chuyển số lượng mồ mả lớn, khi lập dự án phải xây dựng phương án mở rộng nghĩa trang hoặc xây dựng nghĩa trang mới trước khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng, chi phí cho việc đầu tư mở rộng hoặc xây dựng nghĩa trang được tính vào chi phí đầu tư của dự án”.

Nội dung có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. 

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng luật sư Trịnh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang